Chiều 3/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp báo, công bố Quyết định số 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Theo sơ đồ quy hoạch điện VII, ngành điện sẽ phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung và Nam, với mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020.

wind_farm_4_hnd.jpg

Quy hoạch điện VII chú trọng phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Trong giai đoạn này, ngành điện cũng tích cực giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020, cũng như đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Mục tiêu ưu tiên của quy hoạch là phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...), đưa tổng công suất nguồn điện sử dụng năng luợng tái tạo (không kể thuỷ điện nhỏ) từ mức không đáng kể hiện nay lên tới khoảng 1.160 MW với điện năng sản xuất chiếm tỷ trọng chiếm xấp xỉ 0,7% vào năm 2020; phát triển điện sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 500 MW với tỷ trọng điện sản xuất khoảng 0,6% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành điện chú trọng nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành. Dự kiến đến năm 2020, thủy điện tích năng sẽ có tổng công suất 1.800 MW, ưu tiên phát triển dự án thủy điện tổng hợp: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch điện VII, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929.700 tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Trong giai đoạn 2011 – 2020, đầu tư vào nguồn điện là 619.300 tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư; đầu tư vào lưới điện 210.400 tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư.

Quy hoạch điện VII cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện mục tiêu bao gồm các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện; giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện; giải pháp về giá điện; giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực./.