Phát biểu tại cuộc họp tổ Điều hành thị trường trong nước mới đây, bà Ngô Thị Ánh Dương- Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích, CPI tháng 4 so với tháng 3 gần như không tăng (0,02%) chứng tỏ CPI khá ổn định.
"Tuy nhiên, CPI tăng ở một mức độ nào đó sẽ khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, vì thế CPI không tăng chưa phải điều đáng mừng", bà Dương nói.
Báo cáo của Tổ Điều hành cho thấy, trong tháng 4, thị trường hàng hóa kém sôi động, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất... tương đối chậm.
Trong tháng 4, nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định và giảm nhẹ (xăng dầu giảm giá 2 lần, lương thực, thực phẩm, xi măng, thép xây dựng... cũng giảm giá).
Nhiều ý kiến tại Tổ Điều hành cho rằng, việc một số nơi rục rịch tăng giá cước vận tải là không hợp lý, bởi sau đợt tăng giá xăng dầu cuối tháng 3 thì trong tháng 4 có 2 lần xăng dầu giảm giá. Vì thế, nguyên nhân tăng cước vận chuyển lần này có thể là do "đón đầu" dịp lễ 30/4 và 1/5.
Phân tích những yếu tố tác động đến CPI tháng 5, các thành viên Tổ Điều hành cho rằng, trong tháng 5 có nhiều nhân tố làm giảm CPI. Đó là sức mua hàng hóa chưa cải thiện nhiều cùng với xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, gas, một số thực phẩm do bị tác động bởi dịch bệnh, giá lương thực ít biến động... Vì vậy, mặt bằng giá chung sẽ không có biến động tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số yếu tố làm tăng CPI, đó là trong kỳ tính giá tháng 5 có 2 kỳ nghỉ lễ lớn (giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5) nên giá cước vận tải, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng và ăn uống có thể tăng. Trong tháng 5 sẽ có 1 địa phương đăng ký tăng phí dịch vụ y tế. Vì thế, CPI tháng 5 có thể tăng nhẹ so với tháng 4./.