Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,02% so với tháng 3. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 phản ánh tín hiệu mừng ít nhưng lo nhiều. Sự ổn định giá không phải do năng suất lao động, sản xuất tăng trưởng mà biểu hiện sức mua thấp, lượng tồn kho hàng hóa cao. Điều này tiếp tục tái diễn nguy cơ dẫn đến suy thoái của một nền kinh tế.

** Thưa ông, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,02%, thấp nhất so với cùng tháng 4 trong vòng 10 năm trở lại đây. Xin ông phân tích rõ hơn về vấn đề này?

PGS-TS Ngô Trí Long: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 chỉ tăng 0,02% - mức tăng như vậy là rất thấp. So với nhiều tháng cùng kỳ trong các năm thì đây là mức chỉ số CPI ổn định nhất. Vậy nguyên nhân tại sao chỉ số CPI tháng 4 lại giảm? Theo quy luật, trong những tháng dịp Tết Nguyên đán CPI thường tăng cao, những tháng sau đó tương đối thấp và ổn định, tháng cuối năm lại tăng cao. 

Tuy vậy, khi giá xăng dầu tăng, đặc biệt giá xăng dầu tăng cao, trên 1.400 đồng/lít như vừa qua thường tác động rất rõ đến chỉ số giá tiêu dùng, nhưng thời gian qua lại không như vậy. Nguyên nhân là do sức mua quá thấp, cạn kiệt; đồng thời lượng hàng tồn kho lớn; sản xuất của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Giữa sức mua, lượng hàng tồn kho và CPI có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ, bởi vậy, chỉ số CPI phản ánh tín hiệu mừng thì ít, nhưng lo thì nhiều.

** Như ông vừa phân tích, nếu chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tái diễn mức ổn định như hiện nay thì trong thời gian tới cần có giải pháp gì?

PGS-TS Ngô Trí Long: Trong giai đoạn hiện nay phải có tư duy và chính sách mới, đó là phải chuyển từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung.

Thứ nhất, giảm thuế và phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đối với mọi tầng lớp. Điều này Quốc hội cũng đang xem xét. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp đã yêu cầu Chính phủ giảm từ 25% xuống 23%, Quốc hội đã đưa xuống 22%. Bên cạnh đó, các loại phí chúng ta cũng cần phải xem xét, có như vậy mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời khoan được sức dân.

Thứ hai, phải tạo ra thị trường vốn thông thoáng; đồng thời có chính sách điều tiết giá hợp lý và để đảm bảo cân bằng cung-cầu. Đặc biệt, trong chính sách điều tiết giá hiện nay với một số mặt hàng thiết yếu phải có lộ trình cho từng thời kỳ, phù hợp với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách tiền tệ có ý nghĩa rất quan trọng. Chính sách tiền tệ phải thật sự linh hoạt, mềm dẻo, nhưng không được quá thắt chặt cũng không được quá nới lỏng.

Đó là 3 yếu tố cơ bản, tư duy đổi mới trong chính sách để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện khoan sức dân, tăng sức mua.

** Vậy ông nhận định như thế nào về CPI trong tháng tới cũng như trong quý 2 này?

PGS-TS Ngô Trí Long: Chỉ số CPI trong tháng tới và quý 2 phụ thuộc vào diễn biến của chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định kinh tế vĩ mô.

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào sự tăng trưởng phát triển của nền kinh tế cũng như các cân đối thu chi, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại của Nhà nước.

Trong thời gian tới không có những biện pháp mạnh mẽ và triển khai một các quyết liệt từ cấp cơ sở đến Trung ương thì tình hình này vẫn còn tiếp diễn. Có nghĩa là chỉ số giá tiêu dùng cũng không vượt quá được giới hạn mà chúng ta kiểm soát.

** Vâng xin cảm ơn ông!/.