“Bộ Khoa học và Công nghệ cần có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đăng ký sản phẩm quốc gia. Theo đó, các sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia phải có tiêu chí rõ ràng, có vị trí vinh dự, không đánh đồng với các danh hiệu được trao tặng hàng năm”. Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo ngày 9/1 tại Trụ sở Chính phủ.

“Báo cáo về việc triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ, mỗi Chương trình Quốc gia có cách tiếp cận, phạm vi triển khai khác nhau, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp với quy mô, năng lực công nghệ khác nhau tham gia.

Các chương trình hướng tới mục tiêu chung là tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành.

dam_ukbm.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.
Đến nay, 3 chương trình đã thu hút được hơn 150 đơn vị có năng lực tham gia các nhiệm vụ, trong đó 59% số đơn vị trực tiếp chủ trì là các doanh nghiệp. Các nhiệm vụ triển khai trên hơn 30 tỉnh, thành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các ngành kinh tế.

Phần lớn các nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp chủ trì kết hợp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các chuyên gia công nghệ để phát triển sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhà nước.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Tán thành với việc tiếp tục triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Đồng thời kiến nghị cần có những cơ chế, động viên các doanh nghiệp để cùng chung sức với các bộ ngành phát triển các sản phẩm quốc gia.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện đại đa số các doanh nghiệp của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản phẩm có nhiều nhưng chưa mang tính biểu tượng. Do đó, việc cần hỗ trợ nhất hiện nay chính là thâm nhập thị trường.

Ngân sách hỗ trợ cho các chương trình khoa học công nghệ quốc gia còn hạn hẹp so với nhu cầu nên nhiều mục tiêu phải kéo dài. Vì vậy, thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu cơ chế đầy đủ hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia thâm nhập được thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, nguồn lực nhà nước đối với các chương trình khoa học công nghệ quốc gia có hạn, vì vậy, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao cần tập trung vào các nhóm ngành mà Việt Nam có lợi thế, tiềm năng trong cuộc Cách mạng khoa học công nghệ mới.

Quan tâm đến chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Phó Thủ tướng gợi mở, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đăng ký sản phẩm quốc gia. Theo đó, các sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia phải có tiêu chí rõ ràng, có vị trí vinh dự, không đánh đồng với các danh hiệu được trao tặng hàng năm.

Nhà nước, cộng đồng có trách nhiệm bảo hộ các sản phẩm này. Những doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm quốc gia sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường, có vị trí trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Các bộ kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào Chương trình sản phẩm quốc gia không phải để lấy tiền mà để được tôn vinh, được công nhận để vào thị trường.

“Các sản phẩm quốc gia phải khẳng định lại tiêu chí, sản phẩm quốc gia đúng nghĩa và phải đạt được một số tiêu chí nhất định. Khi đã là sản phẩm quốc gia sẽ là tài sản mà cả nhà nước và cộng đồng xã hội cùng có trách nhiệm tham gia, tôn vinh và phát triển. Do tính chất liên quan đến sản phẩm có ý nghĩa rất lớn đối với đất nước nên cần nhà nước và cộng đồng ủng hộ và phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.