Tại tỉnh Quảng Bình, theo tìm hiểu của phóng viên Đài TNVN, cũng xuất hiện những bất cập sau khi đưa tàu vỏ thép vào sử dụng. 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển, anh Đào Xuân Thuần, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có nhiều kinh nghiệm trên ngư trường đánh bắt thủy hải sản. Dẫn chúng tôi xuống con tàu có công suất 829 CV, anh Thuần cho biết, với trị giá 16 tỷ đồng anh được nhà nước hỗ trợ vay ngân hàng 15 tỷ đồng. Sau khi nhận bàn giao, tháng 2/2016 tàu ra khơi, thế nhưng khi những mẻ cá đầu tiên lên tàu cũng là lúc xuất hiện hiện tượng đọng nước trong khoang đá, bộ phận tời gặp sự cố.

tau_ca_2__axzx.jpg
Tại Bình Định một loạt tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này mới đưa vào sử dụng đã phải nằm bờ vì máy hư hỏng.
Theo anh Thuần: "Tàu ai cũng bị sự cố, về là tàu 2 chuyến bị ngập hầm đá tan hư hỏng hết cá, nước vào van trào lên là hỏng hết cá, con cá cả triệu. Tàu sắt kiểu gì mà vào đầu hầm lưới ra khoang cá mà nước vẫn đầy. Bị thời điểm không có cá còn đỡ, có lúc cá đầy mà bị thì thiệt hại lắm".

Không chỉ riêng anh Thuần mà nhiều ngư dân khác ở Quảng Bình đang phải neo tàu trong bờ, sửa chữa, khắc phục sự cố và chờ đến ngày đóng lãi.

Rút kinh nghiệm những sai sót về kỹ thuật của những con tàu đóng trước, ngư dân Phạn Anh Hùng, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã từng ngày đêm túc trực tại xưởng đóng tàu của ông Nguyễn Văn Tiến ở Thái Bình để điều chỉnh thiết kế theo kinh nghiệm của mình, anh đang lo lắng con tàu trị giá 17 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng chưa được 1 năm đã xuất hiện hiện tượng rỉ sét.

"Máy móc ổn định nhưng chất lượng tàu hơi kém, đóng không biết là thế nào, bị rỉ nhiều lắm không biết do sơn hay gì, tời lưới hay hư" - ông Nguyễn Văn Tiến ở Thái Bình nói thêm.

Làm việc với phóng viên Đài TNVN, ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản thừa nhận, tàu vỏ thép ở Quảng Bình có tình trạng rỉ sét. "Vỏ mới là vỏ thép bà con chưa sử dụng khi tiếp xúc với biển là bị rét rỉ. Ủy ban tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra chất lượng các con tàu đặc biệt là tàu đóng theo nghị định 67 và 48".

Các tàu mới đưa vào sử dụng đã bị rỉ sét.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đài TNVN, trước khi chọn đơn vị đóng tàu, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cho các cơ quan chức năng và ngư dân khảo sát, tìm hiểu để chọn đơn vị đủ năng lực thi công. Thế nhưng trong quá trình thi công, việc giám sát chưa được thực hiện nghiêm ngặt mà chủ yếu là do chủ tàu tự giám sát nên khó phát hiện chất lượng, nguồn gốc các thiết bị.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến chất lượng tàu vỏ thép vì đó là gia tài rất lớn của ngư dân. Tỉnh sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời

Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết: "Về chất lượng tàu chúng tôi cho rằng, chất lượng tàu rất quan trọng vì người dân bỏ ra số tiền rất lớn. Mà đóng tàu sắt ở việt nam chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi cũng mong rằng thường xuyên kiểm tra giám sát để đảm bảo mà cơ sở đóng tàu mà tàu vỏ sắt là phải chú ý mặt chất lượng vì lâu dài là phải đóng tàu vỏ sắt phải đóng tàu lớn đánh bắt ở vùng biển xa".

Thực hiện nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay tỉnh Quảng Bình đã hoàn thiện 85 con tàu, trong đó có 30 tàu vỏ thép. Chủ trương này không chỉ hỗ trợ đắc lực cho ngư dân mà còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình cơ hội tiếp cận các ngư trường lớn trong đánh bắt hải sản. Thế nhưng với số tiền mỗi chiếc tàu hơn chục tỷ đồng đối người dân không hề nhỏ, rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh chất lượng./.