Đồng Nai đã quyết định chọn 2 cụm công nghiệp để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản với mục tiêu sẽ có dự án hoạt động vào cuối năm nay.
Từ kết quả thí điểm tại 2 cụm công nghiệp này, Đồng Nai sẽ thực hiện nhân rộng để đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản.
Công nghiệp chế biến nông sản hụt hơi
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá và luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất lớn, tập trung.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Đồng Nai là tỉnh số 1 của Việt Nam để phát triển công nghiệp trong nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. |
Hiện Đồng Nai đã hình thành các khu sản xuất tập trung như: 44.000ha cao su, 34.000ha điều, 19.000ha cà phê, 9.000ha tiêu, 10.000ha chôm chôm, 10.000ha xoài và gần 3.000ha sầu riêng. Đồng Nai cũng đứng đầu cả nước về số lượng trang trại với hơn 3.800 trang trại. Hiện tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện đối với 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Dù đã có bước phát triển trong sản xuất, tuy nhiên, theo đánh giá ngành nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất thiếu bền vững và bấp bênh. Nguyên nhân chính là do công nghiệp chế biến nông sản phục vụ nông nghiệp còn yếu kém, lạc hậu. Điều này dẫn đến tình trạng phần lớn các mặt hàng nông sản phải xuất thô, giá trị thấp và phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường.
Ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó có 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn số doanh nghiệp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm thì đóng góp chủ yếu là các thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Phương cho hay.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện cũng có hơn 3.000 cơ sở và hộ kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chỉ dừng ở mức sơ chế mà chưa thể chế biến sâu.
Đánh giá về thực trạng của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng cho hay, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng những năm qua chỉ chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, dệt may, giày da… Đối với công nghiệp phục vụ nông nghiệp thì còn yếu, trong khi Đồng Nai là vựa nông nghiệp lớn của cả nước với sản phẩm cây ăn quả, cây công nghiệp rất lớn, đa dạng và phong phú. Đây là một trong những lý do khiến người nông dân rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Sản xuất nông nghiệp rơi cảnh bấp bênh, phát triển không bền vững.
“Không phát triển công nghiệp chế biến, trái cây vào vụ phải bán hết nên khi sản lượng lớn dẫn đến rớt giá. Nếu có công nghiệp chế biến thì có thể thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường”, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Chánh chỉ rõ.
Dành riêng 2 cụm công nghiệp cho ngành chế biến nông sản
Trước thực trạng “èo uột” của ngành công nghiệp chế biến nông sản, Đồng Nai hiện đang tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, thời gian tới, một trong những mũi nhọn tỉnh tập trung phát triển là công nghiệp chế biến nông sản để có được nhãn hiệu hàng hóa, từ đó xuất khẩu thì giá trị gia tăng cao, nông nghiệp mới phát triển bền vững.
Đồng Nai hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó có 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. |
Từ định hướng này, Đồng Nai đã lựa chọn cụm công nghiệp Phú Túc, huyện Định Quán và Long Giao, huyện Cẩm Mỹ để mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Đánh giá về tiềm năng của cụm công nghiệp Phú Túc khi ưu tiên cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, đây là cụm công nghiệp có kết nối giao thông tốt, đã có kết nối điện lưới. Đặc biệt, vị trí của cụm cũng kết nối được 3 địa phương có sản lượng nông sản lớn là Định Quán, Thống Nhất và Xuân Lộc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho hay, hiện cụm công nghiệp Long Giao dù chưa triển khai xây dựng nhưng cũng đã có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản xin đăng ký đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Định Quán và Cẩm Mỹ nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, thúc tiến độ nhằm đảm bảo vào cuối năm nay, 2 cụm công nghiệp này phải đi vào hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ, có thể xem xét cho các nhà đầu tư thực hiện dự án song song với quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng.
Đối với các địa phương khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải rà soát tình hình hoạt động, tiến độ đầu tư của từng cụm công nghiệp trên địa bàn. Với trường hợp không thể có 1 cụm công nghiệp dành riêng cho lĩnh vực chế biến nông sản thì có thể mời gọi, thu hút thêm các ngành nghề phù hợp, ít ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đối với các vùng nguyên liệu nông sản lớn như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc phải đặt mục tiêu phát triển mạnh chế biến nông sản./.