Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay của Quốc hội, Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) đánh giá: Tăng trưởng kinh tế của đất nước còn chưa bền vững, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nợ công tiếp tục là mối quan tâm lo ngại của dư luận.

Theo bà Hoàng, nợ công không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không chỉ là vấn đề riêng của các nước đang phát triển. Tại Mỹ, năm ngoái, Chính phủ Mỹ cũng đã phải đóng cửa do đối mặt với vấn đề nâng trần nợ công. Bà Hoàng cho rằng, nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Nợ công ở nước ta là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, nợ công của nước ta đã vượt quá 84 tỷ USD, tương đương khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Nếu tính theo bình quân đầu người, khoảng 900 USD/người, tương đương xấp xỉ 20 triệu đồng/người. Trong đó, nợ phải trả năm 2014 là 208.000 tỷ đồng, nhưng phần cân đối ngân sách chỉ có 118.000 tỷ đồng; dư nợ tăng nhanh, sát ngưỡng an toàn của năm 2015. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên, khoáng sản và hoạt động xuất nhập khẩu; tỷ lệ thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thấp.

Do đó, bà Hoàng cho rằng, cần thiết phải phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, khả năng thu, cân đối chi, kiểm soát chặt nợ công để có chiến lược trả nợ rõ ràng, nhất là giai đoạn sau năm 2016.

Một số giải pháp cần làm, bà Hoàng đề nghị, thứ nhất là, tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả hơn trong kích thích tăng trưởng, mở rộng thị trường, chủ động kết nối sản phẩm giữa các doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản  xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa có tích lũy để cải thiện tình hình nợ công.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ hơn chi tiêu công, cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; ưu tiên nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu về hạ tầng kinh tế, xã hội; đổi mới khoa học công nghệ làm động lực để phát triển; đổi mới chi tiêu dịch vụ công theo hướng cân đối dựa trên sản phẩm đầu ra và mở rộng các cơ hội cung ứng  các dịch vụ xã hội theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm  những gì mà người dân và xã hội làm được; thắt chặt chi tiêu thường xuyên.

Thứ ba, cần minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cấp phát, sử dụng ngân sách nhà nước; minh bạch trong chi tiêu công không dùng tiền mặt.

Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các thể chế về quản lý ngân sách nhà nước, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội.

Thứ năm, tăng cường giám sát của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và toàn xã hội đối với quản lý và sử dụng nguồn lực của nhà nước và của xã hội, chống tiêu cực và tham nhũng.

Thứ sáu, xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp nhằm thắt chặt nợ công, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu của đất nước và vận động mỗi tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nguyên tắc “tích gạch xây lâu đài cho ngày mai”./.