Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 vừa mới công bố cho thấy, Lào Cai đứng thứ 16 toàn quốc, nằm trong top khá.

Kết quả này đối với nhiều doanh nghiệp và nhà chức trách ở Lào Cai có lẽ không quá bất ngờ. Dù rằng để tăng 9 hạng từ xếp thứ 25 lên 16 là cả sự cố gắng của hệ thống chính trị địa phương trong nâng cao năng lực điều hành kinh tế.

Lào Cai vẫn là điểm sáng trong khu vực

Dữ liệu đánh giá PCI của Lào Cai trong vòng 15 năm qua cho thấy, Lào Cai từng đứng thứ nhất và nhiều lần trong top 5, top 10 toàn quốc, nhưng cũng có giai đoạn “trồi sụt” khi chỉ xếp thứ 17 (năm 2013) và thứ 25 (năm 2019).

Tuy nhiên, nếu xét trong phạm vi hẹp hơn, Lào Cai năm nào cũng dẫn đầu khu vực Tây Bắc và đứng nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc trong bảng xếp hạng PCI.

Năm 2020, 3 trụ cột kinh tế của địa phương vùng biên này là xuất nhập khẩu, công nghiệp và du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Lào Cai trong năm vẫn đạt 6,55%, cao thứ hai trong số các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Bức tranh kinh tế tươi sáng cùng với việc thăng hạng trên bảng tổng sắp PCI là câu trả lời cho từng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền Lào Cai suốt một năm qua như sáng tạo đội xe trung chuyển tại cửa khẩu để thúc đẩy giao thương hàng hóa mùa dịch; giãn nợ, giảm lãi vay, miễn giảm nhiều loại thuế phí, hạn chế thanh kiểm tra doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, rộng cửa thu hút đầu tư; tổ chức loạt hoạt động gặp mặt doanh nghiệp, kích cầu du lịch, Hội chợ quốc tế Việt – Trung trực tuyến, Hội nghị xúc tiến thương mại…

Trên đường đua marathon PCI

Nếu ví việc cạnh tranh năng lực theo chỉ số PCI như là một cuộc đua marathon thì Lào Cai đang giữ phong độ khá ổn định, nhiều năm đều duy trì ở mức trên dưới 65 điểm.

Tuy nhiên, chính vì không cải thiện đáng kể được điểm số nên những năm trở lại đây Lào Cai vô hình trung bị đẩy ra nằm chơi vơi ngoài top 10 khi các tỉnh thành khác gắng sức vươn lên.

Hiện, so với vị trí đứng đầu là tỉnh Quảng Ninh, thì Lào Cai đang cách biệt rất xa, kém tới hơn 10 điểm. Ngay cả muốn vươn lên đứng trong top 5 như quá khứ đã từng, Lào Cai cũng phải phấn đấu thêm 5 điểm nữa để cán mốc 70 điểm.

Vì chặng đua đã bước sang năm thứ 16 chứ không phải mới bắt đầu nên việc duy trì phong độ ổn định vẫn là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng rõ ràng khi cuộc đua ngày một kịch tính, khoảng cách điểm giữa các tỉnh có xu hướng thu hẹp dần thì tâm lý chung vẫn khó có thể bình chân.

Chặng đua tương lai vẫn khả quan

Việc nhiều năm liền có PCI quanh quẩn trong khoảng 65 điểm dẫn đến 2 giả thiết: một là Lào Cai đang dành sức cho những chặng sau nữa; hai là Lào Cai đã bỏ nhiều sức cho chặng đầu và hiện tại đang phải cố gắng để không tụt lại phía sau.

Có một thực tế, sau cú “rớt hạng” kỷ lục xuống thứ 25 năm 2019, Lào Cai đặt mục tiêu trong năm 2020 phải bứt phá để đạt 70,8 điểm nhằm giành giật thứ hạng trong top cao. Nhưng kết quả không những không tăng, mà còn giảm 0,31 điểm.

Trên đường marathon, khi phải hao tổn sức lực sau một quãng nhất định, có lẽ để bứt phá ngoạn mục không phải chuyện đơn giản. Những đối thủ chạy cùng nhóm lúc này cũng đều đáng gờm khiến cuộc đua ngày một cam go hơn, đòi hỏi phải chiến đấu bằng cả sức lực và tâm lý.

PCI là một cuộc đua tương đối công bằng, bởi nó đã loại bỏ các lợi thế sẵn có như yếu tố hạ tầng và cập nhật phù hợp với môi trường kinh doanh để tỉnh giàu hay tỉnh nghèo đều có thể tham gia.

Chắc hẳn nhiều người từng nghe câu chuyện truyền cảm hứng qua huyền thoại Pheidippides – sứ giả đưa thư người Hy Lạp, sau khi chạy không nghỉ gần 40 cây số để báo tin thắng trận từ Marathon, ông chỉ kịp hét to “Chúng ta đã chiến thắng” rồi gục ngã, trút hơi thở cuối cùng.

Cuộc đua PCI thậm chí dài hơn cả marathon, bởi có khởi đầu nhưng sẽ không có kết thúc, cơ hội dành cho tất cả những ai cố gắng.

Coi kết quả PCI năm 2020 là mốc khởi đầu của chặng đường mới, gắn với nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thì Lào Cai có xuất phát điểm thuận lợi.

Ngay đầu nhiệm kì, một Tổ hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng được thành lập và đi vào hoạt động ngay đã thể hiện sự cầu thị của Lào Cai trong quyết tâm thu hút nguồn lực, phát triển kinh tế, cải thiện bộ chỉ số PCI

Song song với đó, loạt sự kiện nổi bật diễn ra như trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trung tâm thương mại GO!; ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn T&T Group; khánh thành Nhà máy chế biến rau quả Mường Khương; khởi công Nhà máy chế biến quế hữu cơ Văn Bàn; chuỗi kích cầu du lịch… Hàng chục công trình trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh cũng đang ngày đêm chạy tiến độ để kịp hoàn tất. Có thể thấy một tương lai tươi sáng đang hé mở với tỉnh biên giới Lào Cai, còn kết quả cụ thể ra sao, tất cả vẫn đang chờ phía trước./.