Trong thư của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Vũ Huy Hoàng có đề cập việc, ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng - hiện đang là thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ông Hải đã để PVFI lỗ hơn 220 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông.
Ông Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức, (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
“Thẩm định báo cáo tài chính của công ty năm 2011 đã được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Deloitte, tài sản ngắn hạn giảm 41% so với năm 2010, còn 1.131 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm 33%, còn 193 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 45%, còn 1.324 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 155,359 tỷ đồng, giảm 73%”, Infonet trích dẫn.
Cũng theo Infonet, 3 năm sau khi rời PVFI, năm 2015 ông Vũ Quang Hải được điều động về Sabeco với vai trò Phó TGĐ kiêm thành viên HĐQT. Với các vị trí trên, ông Hải nhận khoản lương và thù lao khoảng 1,19 tỷ đồng trong năm 2016.
Tuy nhiên, tại thời điểm 26/1/2016, Sabeco có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ năm 2016, HĐQT của Sabeco trình đại hội xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với 28.503 tỷ đồng doanh thu, 3.436 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức 25%. Chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức này lần lượt giảm 5% và 17% so với thực hiện năm 2015.
PVFI bị lỗ từ trước khi có Tổng Giám đốc mới?
Trước những chất vấn của VAFI về quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ cũng như trách niệm đối với việc thua lỗ của PVFI của ông Vũ Quang Hải trong thời gian qua, trao đổi với Báo Tiền phong, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn khẳng định, khi bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm tổng giám đốc PVFI, trong kinh doanh của công ty này đã phát sinh lỗ từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Khi Hải nhận nhiệm vụ do PVN bổ nhiệm, công ty cũng có ký biên bản chốt số lỗ giữa Tổng giám đốc mới và người tiền nhiệm. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc trách nhiệm của Hải.
“Thực tế, qua 2 năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ tiếp nữa. Và 2 năm 2012 - 2013, tôi nhớ không chính xác, công ty đã có một chút lãi. Nhưng do trong hạch toán, người ta vẫn phải lấy phần lỗ của các năm trước để bù vào nên trên sổ sách vẫn còn lỗ. Còn số liệu chính xác tôi chắc Bộ sẽ cung cấp vì tôi nghỉ hưu rồi. Tập đoàn Dầu khí cũng sẽ cung cấp con số này cho những ai quan tâm”, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng khẳng định, việc con ông là Vũ Quang Hải về Sabeco là do HĐQT của Sabeco có công văn gửi lãnh đạo và ban cán sự Bộ Công Thương đề nghị Bộ cho phép xin đích danh Vũ Quang Hải cùng với một người tại chỗ nữa để kiện toàn bộ máy nên Bộ mới đồng ý cho Hải vào Sabeco làm quy trình bổ nhiệm.
“Tôi cũng làm rất cẩn thận vì có đề xuất của Sabeco và thực hiện đúng quy định hiện hành và chủ trương của Đảng, Nhà nước về luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển là thực hiện đúng, còn việc lựa chọn người như thế nào thì là chuyện những người có trách nhiệm phải đảm bảo”, ông Hoàng nói.
Về cổ phần hóa Sabeco và Habeco, ông Hoàng cho biết, thực tế từ năm 2012-2013, Bộ liên tục có đề án gửi Chính phủ, xin được thoái vốn nhà nước tại hai tổng công ty này. Nhưng do bia là lĩnh vực nhạy cảm, giá trị cổ phần tương đối lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng và Chính phủ có chỉ đạo không được để mất vốn, phải giữ được hai thương hiệu quốc gia này. Vì có những câu chuyện phải xử lý như thế nên đến giờ phút này vẫn phải chờ chỉ đạo của Chính phủ. Không thể nói tổng công ty không làm hay bộ không làm.
Ông Vũ Quang Hải khẳng định khi rời khỏi PVFI thì công ty này gần như không còn các khoản nợ xấu. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
“Thời điểm tôi về thì được báo cáo là vừa mất vốn và mất thêm khoảng 600 tỉ nữa. Còn năm 2010 thì được báo cáo là lỗ khoảng 40 tỉ đồng. Năm đầu tiên khi tôi về (2011) lỗ khoảng 197 tỉ đồng, chủ yếu là do trích lập dự phòng. Tôi có thể tự tin nói là các khoản lỗ đó không phải do tôi gây ra mà tôi chỉ kế thừa và xử lý các khoản lỗ đó. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ, đến năm 2012 số lỗ đã ít đi rất nhiều, còn khoảng 70 tỉ đồng, khi tôi đi thì gần như PVFI không còn các khoản nợ xấu nữa, thanh toán toàn bộ công nợ tồn tại”, ông Hải khẳng định với Báo Tuổi trẻ.
Ông Vũ Quang Hải cũng khẳng định không được Bộ Công Thương bổ nhiệm về làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco. Đây chỉ là quy trình do Bộ Công Thương chấp thuận theo đề xuất của Sabeco.
“Tôi chỉ được giới thiệu tham gia HĐQT vì Sabeco còn cổ đông bên ngoài là Heineken nữa, nên bộ không quyết được chuyện này. HĐQT họp và có xin ý kiến cổ đông đàng hoàng và sau đó bầu bổ nhiệm tại đại hội cổ đông bất thường. Rõ ràng là cổ đông Heineken đồng ý thì quy trình rất công bằng chứ không có gì khuất tất. Tôi không hề là người đại diện vốn nhà nước tại Sabeco mà chỉ là người làm thuê cho Sabeco, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con”, ông Hải khẳng định./.