Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, thuộc tuyến đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng, được đưa vào khai thác năm 2010. Tuy nhiên, đến nay cầu Vĩnh Tuy đã xuất hiện nhiều vết nứt trên trụ H22. Đây là một trong những trụ cầu chính gánh đỡ nhịp của cầu qua sông Hồng.

Trụ H22 cầu Vĩnh Tuy là trụ nằm sát mép nước sông Hồng theo hướng từ Long Biên sang Hà Nội. Trụ này có chức năng gánh đỡ hai đầu 2 nhịp dầm bê tông theo công nghệ đúc hẫng dự ứng lực cân bằng. Trụ được thiết kế theo kiểu trụ một cột thân thẳng, thân trụ rỗng. Phần móng trụ được đặt trên cọc khoan nhồi đường kính 2m, sâu trung bình 50m.

Tại trụ H22 xuất hiện vết nứt từ dưới chân trụ kéo dài theo chính giữa tim trụ lên cao khoảng 10m đến giữa thân trụ ở cả 2 mặt trụ cầu phía Hà Nội và Long Biên. Riêng vết nứt ở chân trụ tiếp giáp với nền đất thuộc mặt trụ phía Hà Nội có chiều rộng lọt que tăm, kéo dài lên trên đỉnh trụ khoảng 10m, phía dưới sát đất có hiện tượng rỉ nước, bê tông phồng lên.

Đặc biệt phần mặt trụ phía Long Biên, ngoài vết nứt dọc kéo dài chính giữa trụ còn có nhiều vết nứt ngắn theo chiều dọc ở chân trụ. Tại đây cũng có một vết nứt chéo từ gần tim trụ kéo dài lên trên, chéo dần về phía thượng lưu sông Hồng. Trong khi đó, các trụ khác vẫn có bề mặt trơn nhẵn, không xuất hiện tình trạng nứt như trụ H22.  

bom%20be%20tong.jpg
Nước chảy qua vết nứt và cách xử lý của đơn vị kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Vắn Thắng, ở quận Long Biên làm nghề chài lưới dưới chân cầu Vĩnh Tuy cho biết, ngay sau khi cầu đưa vào khai thác được một thời gian đã xuất hiện vết nứt này. Nhưng gần đây thì vết nứt rộng ra, kéo dài và thấm nước qua.

Trước thông tin trụ cầu Vĩnh Tuy xuất hiện vết nứt, nhiều người dân thường xuyên đi lại qua đây lo lắng mức độ nguy  hiểm  và mong cơ quan chức năng sớm có kết luận. Anh Lê Văn Nam, ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên cho biết, dù chưa biết nguyên nhân gì những cảm thấy lo lắng. Mong muốn cơ quan chức năng sớm có kiểm tra, thông báo để người dân đi lại qua đây được an tâm.

Ông Nguyễn Quang Tuýnh, Phó TGĐ Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, đơn vị thi công cầu xác nhận: Vết nứt tại trụ cầu số H22 là có thật. Ngày 18/2 đã có một đoàn công tác gồm Sở GTVT Hà Nội, đơn vị quản lý cầu, đơn vị xây dựng và Hội đồng nghiệm thu đã đến kiểm tra. Sau khi kiểm tra, đoàn đã có kết luận ban đầu vết nứt không ảnh hưởng gì đến kết cấu của trụ cầu.

“Ngoài vết nứt này, chúng tôi cũng đã đi kiểm tra các trụ khác cũng như dầm cầu nhưng chưa phát hiện thêm vết nứt nào. Các thầy trong hội đồng nghiệm thu kết luận là vết nứt không ảnh hưởng đến kết cấu cầu, chúng tôi tiếp tục theo dõi trong thời gian tới gian”, ông Tuýnh nói.

Theo đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đơn vị thiết kế cầu Vĩnh Tuy), hiện tượng nứt trụ cầu có thể xảy ra trong quá trình thi công do ứng suất nhiệt kết hợp co ngót từ biến của bê tông.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tỏ ra nghi ngờ kết luận trụ bị nứt là do co ngót bê tông, bởi vì vết nứt xuất hiện theo chiều dọc từ dưới lên ở cả hai mặt trụ kèm theo những vết nứt khác không có hướng cố định. Hiện tượng này khác với nứt do co ngót, vì nếu là co ngót bê tông tại sao chỉ có 1 trụ bị mà các trụ khác vẫn tốt.

Một số chuyên gia về cầu đường khẳng định, vết nứt tại trụ H22 cầu Vĩnh Tuy được kết luận “không ảnh hưởng gì” là hơi vội vàng. Bởi chỉ một buổi đi kiểm tra thì khó có thể xác định chính xác nguyên nhân của sự cố. Theo đó để khẳng định công trình có đảm bảo chất lượng hay không, vết nứt có ảnh hưởng gì đến kết cấu của cầu thì cần phải siêu âm và các biện pháp kỹ thuật khác./.