Những năm gần đây, người dân xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ dân từ hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá giả. Và một trong số đó là gia đình ông Bạc Cầm Nói ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng.
Ông Nói kể, trước đây, gần như 100% hộ dân đồng bào Thái ở Mường Khiêng đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Gia đình ông Nói cũng không phải ngoại lệ.
Là một người nông dân khỏe mạnh, ông nghĩ rằng mình không thể trông chờ mãi từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Với suy nghĩ đó, để thay đổi cuộc sống gia đình, năm 2012, gia đình ông giảm dần diện tích trồng lúa, ngô, sắn, chuyển sang nuôi dê núi và lợn đen.
Ban đầu, do vốn liếng không đủ, ông Nói mua 5 con dê núi và vài con lợn đen về nuôi. Vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên có lứa sinh sản thành công, có lứa mua về nuôi được vài tháng thì bị chết.
Thế nhưng, ông Nói không nản chí mà ghi chép cẩn thận những biểu hiện trên đàn vật nuôi. Sau đó, ông tìm đến cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã để được tư vấn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, địa chỉ mua thuốc thú y tiêm phòng…
Dê núi được coi là đặc sản nên lúc nào đàn dê của ông Nói (xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đủ tuổi xuất chuồng đều được thương lái tìm đến tận nhà để mua.
Sau một thời gian làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân, đàn gia súc của gia đình ông Nói không còn mắc bệnh nữa mà phát triển rất tốt.
Từ chỗ có chưa đến 10 con lợn, dê, sau nhiều năm chăm sóc, đến nay gia đình ông Nói đã có 30 con dê núi, 25 con lợn đen.
Theo ông Nói, dê núi từ lúc đẻ đến khi xuất bán mất khoảng 10 tháng nuôi. Đối với lợn đen, thời gian ít hơn, nuôi khoảng 6 tháng, trung bình trọng lượng mỗi con đạt khoảng 80 kg sẽ được xuất chuồng.
Để giảm chi phí trong nuôi lợn đen, ông Nói tận dụng tối đa thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cây chuối, bã đậu phụ, ngô, sắn.
Phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, ông Bạc Cầm Nói bảo: Tính đến hết tháng 11, gia đình tôi xuất bán trên 1 tấn lợn thịt. Với giá lợn đen bán ra trung bình 65.000 đồng/kg, gia đình thu khoảng 70 triệu đồng.
Cũng trong năm nay, ông Nói xuất bán được 16 con dê, với giá trên 130.000 đồng/kg, thu được 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, để nâng cao thêm thu nhập cho gia đình, gia đình ông nuôi thêm 10 con trâu, bò.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi con đặc sản, ông Nói tiết lộ: Trong nuôi lợn đen, khâu quan trọng nhất là phải phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo định kỳ.
Với dê, cần lựa chọn con dê giống chất lượng, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, chuồng nuôi dê phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, tránh nắng nóng, gió lùa.
Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn dê núi thương phẩm của ông Nói (xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) luôn béo tốt.
"Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo trong bản nên cuộc sống rất khó khăn. Nhưng chính trong cái khó khăn đó đã tạo động lực cho tôi bứt phá vươn lên. Nhờ lựa chọn nuôi những con gia súc có giá trị kinh tế cao như lợn đen, dê núi phù hợp với lợi thế ở địa phương tôi mới có cuộc sống khá giả như hôm nay.
Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để tiếp tục nâng cao nguồn thu", ông Nói bộc bạch./.