Sáng 3/8, tại Hoà Bình, diễn ra hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đây là Hội nghị điểm tổng kết vùng đầu tiên của cả nước, làm cơ sở để rút kinh nghiệm tổ chức 04 hội nghị vùng tiếp theo cũng như chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết toàn quốc trong tháng 12 năm 2019 tại tỉnh Nam Định (sớm hơn 01 năm so với kế hoạch).

nong_thon_moi_vov_mmdu.jpg
 

Về kết quả thực hiện xây dựng NTM nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Nhiều chỉ tiêu đạt vượt mục tiêu. 84 huyện, thị của 37 tỉnh đạt NTM. Không còn điểm nào có xã dưới 5% tiêu chí. Nợ XDCB đã cơ bản không còn”.

Riêng tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng cho biết: Các mô hình điển hình đều ở cấp độ toàn quốc.

Trước đây chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng thì trong giai đoạn II đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những kết quả đó đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực MNPB, nhất là từ năm 2017 đến nay

“Vị trí, vai trò của người dân trong phát triển xây dựng NTM rất sáng tạo đã cho thấy sự trỗi dậy vươn lên ở vùng khó khăn nhất nước”- Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu rõ những bất cập, điển hình là giao thông của vùng yếu kém nhất nước, đây là lõi nghèo của cả nước, rất ít DN ở khu vực này.

Sơn La nổi tiếng sản phẩm cây ăn quả.

Đến hết tháng 6 năm 2019, khu vực MNPB đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp  hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 01 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Có  07/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).

Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.

Cả vùng đã có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 84 đơn vị). Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… đã có đơn vị cấp huyện hiện nay hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng, điều này thể hiện nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.

Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương 08/14 tỉnh đã hoành thành sớm mục tiêu đến 2020 sớm hơn 01 năm so với tiến độ được giao (bao gồm: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biênvà Hòa Bình).

Những kinh nghiệm triển khai của các địa phương là cơ sở quan trọng để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý của Chương trình, nhất là việc lồng ghép được các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn lực khác, tập trung đầu tư cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Các tỉnh miền núi phía Bắc là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn so với cả nước, đa số là dân tộc thiểu số. Đồng bào thiểu số chiếm 55% so với cả nước, địa hình thì chia cắt. Đánh giá gọn lại, các tỉnh đã vượt khó và rất thành công nhờ mô hình mới, sáng tạo không giới hạn. Các tỉnh đã làm được thì không có lý do gì các địa phương khác không làm được và không thành công. Đây là vùng phên dậu của đất nước, nên kết quả đạt được có ý nghĩa chiến lược đối với cả nước.

Sản phẩm của OCOP của các địa phương được người tiêu dùng yêu thích.

Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ bộ tiêu chí quốc gia về NTMđược ban hành đã theo tinh thần phân cấp mạnh hơn. Vậy, các địa phương cần đánh giá xem 19 tiêu chí đã ổn chưa, tới đây cần thay đổi gì không? Chúng ta cần chuẩn bị để khi bước vào giai đoạn mới thì đã có khung khổ pháp lý để thực hiện chứ không như giai đoạn trước phải mất gần 2 năm để ban hành văn bản.

Tới đây NTM kiểu mẫu sẽ có các tiêu chí như thế nào? Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thôn bản sẽ như thế nào? Làm sao có khung phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương./.