Điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh tăng 2,7%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh, quy mô giá trị sản xuất toàn ngành đạt 19.935 tỷ đồng, bằng 50,9% kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 20%; giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang quan tâm đẩy mạnh phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương, bao gồm: Cây ăn quả; cây nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Bên cạnh đó, lựa chọn vùng sản xuất, mở rộng quy mô để phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm gắn với xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với nhóm sản phẩm tiềm năng có thế mạnh của địa phương, phấn đấu mỗi huyện có từ 2-3 sản phẩm tiềm năng có thế mạnh của địa phương như: Chè, cây dược liệu, dê, mỳ Chũ, sâm Nam, cây con đặc sản… cũng được tỉnh quan tâm và hướng tới.

Tập trung quán triệt, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Ngoài những điểm sáng đạt được trong bức tranh sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện thời tiết có diễn biến bất thường, rét đậm kéo dài, mưa lớn… đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi… luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Kinh phí dành cho công tác phòng chống dịch, bệnh còn thấp, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 10 - 50% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ nông sản gặp một số rào cản, đặc biệt thị trường Trung Quốc là kênh tiêu thụ nông sản lớn của tỉnh vẫn đang thực hiện chế độ zero Covid làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để tiếp tục duy trì phát triển tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Tập trung cao hoàn thiện các nhiệm vụ, nội dung tham mưu cho Tỉnh Ủy, HĐND và UBND theo đúng thời gian quy định; đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành.

"Để đạt mục tiêu đề ra và giải quyết được những khó khăn còn tồn đọng, tỉnh Bắc Giang cần tập trung hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng khắc phục tình trạng dàn trải, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kết hợp với hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ lãi suất tín dụng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác, quản trị kinh doanh để sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững"- ông Thành nói.

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Xây dựng các mã QRcode, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm của chuỗi giá trị.

Ngoài ra, Bắc Giang cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai.

Phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai năm 2022 theo chỉ đạo của tỉnh. Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án xây dựng cơ bản, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đúng hạn đạt 100%. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB, Chương trình OCOP và chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2022 đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ./.