Tại nhiều địa phương của tỉnh này, việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, đã nâng cao thu nhập của người dân, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Gia đình ông Trần Thanh Hải ở xã Sơn Hạ, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số hàng chục gia đình tham gia nhóm hộ chăn nuôi gà kiến thả vườn. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên, gia đình ông đã thả nuôi hàng trăm con gà kiến, thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Khi tham gia mô hình nhóm hộ sản xuất theo chuỗi liên kết, ông Trần Thanh Hải cùng nhiều hộ dân khác không còn phải lo về giá và đầu ra cho sản phẩm.
Mô hình nhóm hộ sản xuất gà kiến ở huyện Sơn Hà mang lại hiệu quả. |
"Tôi cũng cần thương hiệu để đưa sản phẩm ra thị trường. Vì vậy, tôi cố gắng vận động bà con tham gia vào chuỗi liên kết này cho mạnh lên" - ông Hải chia sẻ.
Tại huyện Sơn Hà, mấy năm nay, hàng trăm hộ dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình trang trại, hình thành các nhóm hộ, mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững. Người nông dân không còn lo cảnh được mùa, mất giá nhờ việc chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian gần đây, các địa phương ở huyện Sơn Hà triển khai tích cực Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương chủ động thực hiện các dự án nâng cấp chuỗi giá trị như: liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bò lấy thịt, gà kiến, dê bản địa thương phẩm, đậu các loại...
Gà kiến thả vườn Sơn Hà đã được liên kết tiêu thụ tại siêu thị. |
Qua đó, tạo cơ hội để bà con nông dân, xã viên, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: "Bà con biết được sản lượng cam kết, sản xuất theo đúng kế hoạch và thị trường đã được xác định. Thu nhập của bà con cũng được nâng lên đáng kể so với sản xuất theo truyền thống".
Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, địa phương quy hoạch hàng chục nghìn héc ta vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với nhiều loại cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, tạo thương hiệu sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đặc sản rau rừng của đồng bào H're huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cũng được đưa vào siêu thị. |
Cụ thể hóa Đề án "Mỗi xã một sản phẩm", năm nay, tỉnh Quảng Ngãi hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 66 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có. Giai đoạn 2021- 2030, hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 100 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có và phát triển mới 7 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm"; phát triển mới ít nhất 14 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Nông thôn, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi đưa sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh kết nối với hệ thống chuỗi nhà hàng khách sạn. Việc này đã thực hiện thành công. Đây là những tín hiệu đáng mừng, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP phát triển trong tương lai"./.