Na dai Đông Triều vụ này chín muộn gần 1 tháng, sản lượng giảm khoảng 10% so với năm ngoái nhưng lại có giá bán cao hơn. Đây là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Ninh, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân với thu nhập vài trăm triệu đồng/hộ.

Vụ na năm nay, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 880 ha cho thu hoạch, trong đó gần 1/2 là diện tích trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Vườn na hơn 1 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Trà (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân) thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Na đầu mùa mỏng vỏ, có vị ngọt sắc đang được thu mua tại vườn với giá có thể lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg.

“Năm nay không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên thương lái về tận vườn na thu mua, không phải đi bán lẻ. Giá na đầu vụ rất triển vọng và đang cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện giờ gia đình mới thu nhập được 1 tấn, như năm ngoái với 1 ha na cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng”, chị Tra chia sẻ.

Nhờ nguồn thu nhập từ cây na nên thời gian qua nhiều nông dân Đông Triều có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, thậm chí là cho con cái đi du học nước ngoài. Ở đây, nhà ít cũng có vài mẫu trồng na, nhiều thì lên tới cả ha. Các vườn na đều được quy hoạch gọn gàng và được trang bị hệ thống tưới tiêu khoa học.

Ông Nguyễn Văn Khoa, xã Việt Dân cho biết, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn na của gia đình dù đã gần 20 năm tuổi nhưng vẫn cho chất lượng tốt.

“Tại địa phương hiện chưa có cây trồng nào thay thế được cây na. Khi người dân nắm được khoa học kỹ thuật nên có thể quyết định được việc na ra quả nhiều hay ít, ra quả vào thời điểm nào. Vụ na năm nay được giá và người dân không phải mang na đi bán. Tất cả con em học hành giỏi giang, nhà cửa khang trang đều nhờ cây na”, ông Khoa tự hào.

Vụ này, sản lượng na dai của Đông Triều ước đạt 9.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái phần do thời tiết không thuận, phần do nhiều vườn na đã vào giai đoạn già cỗi cần thay thế. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã An Sinh - xã có diện tích trồng na lớn nhất của thị xã Đông Triều cho biết, ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn bà con cải tạo vườn, trồng thay thế bằng giống na mới có năng suất cao hơn và đầu tư, chăm sóc cây na theo quy trình VietGap.

“Nhiều vườn na đã trồng 20 năm nên chất đất và cây na cho quả kém dần. Ngoài việc tiếp tục xây dựng na VietGAP, năm vừa qua xã cũng thí điểm trồng 3 ha na hữu cơ; đồng thời xây dựng mô hình trồng na Thái Lan và Đài Loan. Qua đánh giá tổng kết cho thấy giống na mới có năng suất và chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh lại cho thu nhập cao hơn na bản địa, nên xã tiến tới khuyến khích người dân thay đổi các giống na này”, ông Thắng cho biết.

Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, vụ na năm nay chín muộn hơn bình thường và chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng. Vì vậy, quả na sau thu hoạch được dán mã QR và đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.

“Địa phương chủ động đa dạng các kênh tiêu thụ ở các thị trường lớn, truyền thống như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình... cũng như đưa na Vietgap vào các siêu thị lớn với các loại na chất lượng, mẫu mã đẹp. Tiến tới Đông Triều sẽ tiếp tục mở rộng na VietGAP ở các xã đang xây dựng nông thôn mới để đạt năng suất, chất lượng và thu nhập tốt nhất”, ông Thắng nói.

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, thêm vào đó là sự cần cù, chịu khó của người nông dân, quả na dai Đông Triều đã nổi tiếng trên thị trường với vị ngon đặc trưng, thơm ngọt, vỏ mỏng, mẫu mã đẹp... Và từ loại cây xóa đói giảm nghèo, na đã trở thành cây làm giàu, mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi vụ cho người nông dân vùng đất Đệ tứ chiến khu xưa./.