Vườn na gia đình ông Hoàng Văn Chức ở thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng gần 3 hecta với hơn 2.000 cây bắt đầu cho thu hoạch. Nếu bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 10 kg trở lên thì vụ na năm nay gia đình sẽ thu về hơn 10 tấn quả, giá bán dao động từ 30.000đ – 70.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình cầm chắc lãi trong tay gần 200 triệu đồng. Hàng ngày, 2 vợ chồng thường xuyên ở trên vườn na hơn 15 tiếng, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tỉa quả… tất bật những bước cuối cùng cho vụ thu hoạch sắp tới.
“Từ lúc chuyển sang trồng na, kinh tế của gia đình cũng ổn định hơn so với làm ruộng. Na bán ra thị trường cũng ổn định về giá cả. Cây na chịu hạn rất tốt, việc chăm sóc do vậy cũng dễ dàng hơn. Với địa hình núi đá vôi ở đây trồng cây na rất tốt, lúc nào hết nắng nó lại tiết độ ẩm ra, vì thế cây na cũng phát triển khỏe mạnh hơn so với cây na trồng bên núi đất. Năm nay, tôi cũng lo dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tư thương không đến mua được, giá na vì thế cũng bấp bênh”, ông Hoàng Văn Chức chia sẻ.
Thương hiệu na Chi Lăng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc tiêu thụ sản phẩm na trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế như việc liên kết trong hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn thông qua các thương lái, chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Quả na Chi Lăng khi tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn (về cơ chế, các thủ tục thông quan), chủ yếu xuất bán qua các con đường tiểu ngạch...
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản huyện Chi Lăng cho biết, năm nay, HTX vẫn cố gắng duy trì thu mua na từ 30-40 hộ trên địa bàn, HTX sẽ cố gắng kết hợp với các hộ gia đình để tiêu thụ, đảm bảo sản lượng cho các hộ trồng na.
“Giá cả năm nay cũng chưa có biến động nhiều, hiện giá đang dao động từ 50.000- 70.000 đồng/kg. Trước mắt, HTX vẫn nhận các đơn đặt hàng và ký hợp đồng cứng với các công ty cung cấp chuỗi thực phẩm nông nghiệp vào các siêu thị và kết hợp với một số cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh để tiêu thụ na. Ngoài ra, HTX cũng quảng cáo diện rộng như: xây dựng website, gian hàng trên posmart… và 1 số hình thức tuyên truyền qua facebook, zalo. Chúng tôi cũng mong rằng sẽ nhận được phản hồi tích cực và đảm bảo mức tiêu thụ cho mùa dịch này”, bà Nguyễn Thị Lý nói.
Nhiều đợt tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả được tổ chức, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung hướng dẫn bà con phát triển na theo hướng VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng, sản lượng cho sản phẩm cũng như hạn chế việc sâu bệnh gây hại.
Năm 2021, với sản lượng na khoảng 20.000 tấn, thu nhập của bà con Chi Lăng ước đạt 850-900 tỷ đồng. Xác định thị trường tiêu thụ na trong năm nay gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, huyện Chi Lăng đã chủ động xây dựng các trang thông tin điện tử để quảng bá, giới thiệu, bán hàng trực tuyến sản phẩm na nói riêng và các loại nông sản chủ lực của huyện đến người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, các thương nhân thu gom tiêu thụ na đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm na thông qua hệ thống các trang thương mại điện tử như: Voso.vn; Postmart.vn và mạng xã hội như: Zalo, Facebook,…
Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi lăng, từ đầu năm nay, huyện đã tổ chức các chương trình truyền thông online để quảng bá sản phẩm na Chi lăng. Đặc biệt, sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP vào ngày 19/7.
"Chúng tôi cũng chỉ đạo bà con nông dân và các doanh nghiệp đưa sản phẩm na Chi Lăng lên các sàn thương mại điện tử và qua 1 tháng thử nghiệm đã có gần 1.400 hộ gia đình đưa sản phẩm lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa các sản phẩm lên sàn điện tử, tổ chức tuần lễ na Chi Lăng tại Hà Nội, chọn đại sứ đại diện cho thương hiệu na Chi Lăng… để quảng bá, phục vụ người tiêu dùng cho cả nước, giúp cho thương hiệu na Chi Lăng ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Hy vọng năm 2021 na Chi Lăng sẽ tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập cao cho người nông dân”, ông Lương Thành Chung cho biết thêm.
Với sự quan tâm đầu tư của các cấp các ngành cùng chất lượng của mình, sản phẩm na Chi Lăng đang được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện tốt nhất để vượt qua đại dịch đến với thị trường trong nước, tiếp tục chinh phục những thị trường tiềm năng khác trên thế giới./.