Bao đời nay, người dân ven biển 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định mơ ước về cây cầu nối liền 2 địa phương. Vùng biển Đề Gi đã ngăn cách 2 địa phương này, người dân muốn qua lại hoặc vào thành phố Quy Nhơn phải đi đường vòng mất cả 1 giờ đồng hồ. Bây giờ, cầu vượt biển Đề Gi sắp hoàn thành, ước mơ bao đời của người dân miền biển thành hiện thực, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. 

Những ngày này, cứ chiều mát, nhiều cụ già tóc râu bạc phơ đi bộ lên cầu Đề Gi, tỉnh Bình Định tản mát, ngắm cảnh. Ông Lê Văn Mùi, năm nay gần 70 tuổi, bán nước ở cảng cá Đề Gi ngay dưới chân cầu vượt biển Đề Gi. Từ ngày khởi công làm cầu vượt biển và con đường mới ven biển mở ra, chiều nào ông Mùi cũng đi bộ lên cầu nhìn ngắm quê hương nhà và trò chuyện với các công nhân. Thi thoảng ông lại mang vài chai nước mời mọi người. Ông Lê Văn Mùi cho biết, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cách trở bởi cửa biển và cảng cá Đề Gi. Người dân muốn đi qua lại phải đi đò hoặc đi đường bộ vòng khoảng 30km. Bây giờ, cầu mới sắp xong, người dân chỉ mất vài phút qua lại. 

“Từ trước, ông cha chưa có tưởng tượng là có cây cầu ở đây, nên chúng tôi mừng còn hơn ai cho số tiền lớn. Toàn huyện, toàn xã, người dân rất phấn khởi. Công nhân vất vả trưa nắng để cây cầu sớm hoàn thành”- ông Lê Văn Mùi nói. 

Dự án đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến- Đề Gi, chạy qua huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và nối với huyện Phù Mỹ qua đầm Đề Gi. Tuyến đường dài 21,5km, nền đường rộng 20,5m, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Riêng cầu vượt biển Đề Gi dài 400m với 5 nhịp dẫn và 3 nhịp đúc hẫng, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Cầu đã được thi công với kết cấu hiện đại được thi công rút ngắn còn 18 tháng. Ông Lê Trọng Tấn, Phó Chỉ huy Trưởng công trường cầu Đề Gì cho biết, đơn vị huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, kịp đưa vào sử dụng đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay. 

“Hiện đang làm công tác đúc gờ lan can và dọn dẹp vệ sinh mặt cầu là chính. Khoảng ngày 25/8 là sẽ xong cơ bản về công tác bê tông. Ca kíp phải bố trí làm 24/24h trên công trường làm liên tục, chủ yếu tập trung vào công tác đúc bờ bo gờ lan can, dọn dẹp thu hồi. Có cầu mới nên dân cũng phấn khởi, mỗi buổi chiều 2 đầu cầu họ tập trung ra rất đông”- ông Lê Trọng Tấn cho biết.

Cuối năm 2006, tỉnh Bình Định khánh thành cầu vượt biển Thị Nại, cầu vượt biển dài nhất nước ta lúc bấy giờ. Cầu Thị Nại nối liền bán đảo Phương Mai và thành phố Quy Nhơn. Sau đó, Khu Kinh tế Nhơn Hội ra đời và mở toang cánh cửa phát triển kinh tế, du lịch, đô thị ở bán đảo Phương Mai, toàn bộ khu vực ven biển Cát Tiến, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn. Giờ đây, cây cầu vượt biển thứ 2- cầu vượt đầm Đề Gi hoàn thành, nối liền 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát với thành phố Quy Nhơn kết nối các địa phương, mở thêm cơ hội thông thương, phát triển kinh tế. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, trong nhiệm kỳ này, tỉnh phấn đấu hoàn thành gần 120 km dự án đường ven biển ĐT639, trong đó, có dự án Cát Tiến- Đề Gi.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, Bình Định là tỉnh đầu tiên ở miền Trung hoàn thành đường ven biển, sẽ có khoảng 5.000 ha diện tích đất và mặt nước để hình thành các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển.

“Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh cũng như nhân dân Bình Định mơ ước sẽ làm 1 cây cầu vượt biển thứ hai, để nối liền 2 huyện Phù Mỹ- Phù Cát. Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh quyết tâm đầu tư cho được tuyến đường ven biển, đặc biệt cầu Đề Gi, mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định khai thác tiềm năng lợi thế của 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời, kết nối với thành phố Quy Nhơn, tạo cú hích cho phát triển của tỉnh Bình Định. Trước hết mở ra không gian phát triển du lịch, đô thị, kinh tế biển”- ông Hồ Quốc Dũng cho biết./.