Là một trong các tỉnh gần như bắt đầu từ con số 0 về thu hút đầu tư, đến nay, Ninh Thuận xem là một trong những điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư. Những thay đổi này được bắt đầu từ quy hoạch để tạo ra những lợi thế cạnh tranh, tạo sức hút đầu tư.

Bức tranh thu hút đầu tư của Ninh Thuận bắt đầu từ chủ trương xây dựng tuyến đường ven biển dài hơn 100 km với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Với một tỉnh mà nguồn thu ngân sách thuộc vào loại thấp của cả nước, việc đầu tư tuyến đường giao thông hàng ngàn tỷ đồng là quyết định táo bạo, nhưng đây cũng là cánh cửa rộng để đón các nhà đầu tư.

ninh-thuan.jpg
Phong cảnh vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Phú Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Thành Đông cho biết: “Chúng tôi chọn địa bàn Ninh Thuận là vì qua quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết sắp tới Ninh Thuận có nhiều công ăn việc làm, tạo ra làn sóng di dân đến đây để làm việc. Thứ hai là nhiều công trình của nhà nước sẽ đầu tư tại đây”.

Từ năm 2011, thời điểm quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, đã có hàng trăm dự án đầu tư vào Ninh Thuận. Trong 3 tháng đầu năm 2014, Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn trên 2 ngàn tỷ đồng.

Đây cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước thuê  hai nhà tư vấn nước ngoài có uy tín là tập đoàn Monitor - Mỹ và Arup –Anh lập chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều lĩnh vực được xác định đóng vai trò mũi nhọn trong thu hút đầu tư, trong đó du lịch có nhiều lợi thế nổi bật.

Ông Phan Quốc Anh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch. Họ nhìn ngay tại sao Ninh Thuận không phát triển du lịch. Cách đây 3 - 4 năm, chúng tôi đã tập trung phát triển du lịch và để làm được điều này thì trước hết, chúng tôi xác định tiềm năng của Ninh Thuận.

Hiện có 4 nhóm ngành kinh tế cơ bản được tỉnh Ninh Thuận xác định tạo ra lợi thế cạnh tranh là: năng lượng sạch, du lịch, nông, lâm - thủy sản; sản xuất chế biến. Riêng về năng lượng sạch, với việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân và phát triển các nhà máy điện gió, đến năm 2020, Ninh Thuận sẽ giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia.

Các dự án năng lượng này, theo nhận định là có khả năng lan tỏa trong thu hút đầu tư. Nhờ quy hoạch hợp lý, những điều tưởng như bất lợi là nắng, gió và cát đã được Ninh Thuận biến thành lợi thế cạnh tranh.

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Nét mới nổi lên là phương pháp tiếp cận đầu tư khác biệt, mang tính cạnh tranh cao. Chúng tôi tiếp cận rút ngắn khoảng cách chênh lệch bình quân đầu người để đưa ra phương án tăng trưởng. Trong quá trình quy hoạch, tiếp xúc với các bộ, ngành, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, đầu tư chiến lược để xác định nguồn vốn, hiện thực hóa quy hoạch”. 

Để tạo thuận lợi cao nhất cho các nhà đầu tư, Ninh Thuận cũng dành các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất và thủ tục hành chính. Có thể thấy, Ninh Thuận đang tận dụng tốt cơ hội phát triển mới với quyết tâm mạnh mẽ nhằm tạo ra làn sóng mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới./.