Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội để “bắt kịp”, đón dòng đầu tư mới từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam phải làm gì để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là ngành công nghệ cao là vấn đề được bàn luận tại Hội thảo “Đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ” được tổ chức sáng 18/12, tại Hà Nội.

Hội thảo “Đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ”

Đây là hội thảo chuyên đề bên lề Triển lãm về công nghệ và đầu tư của Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đánh giá, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt trong những ngành công nghệ cao.

Tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản có 1.990 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 33 tỷ USD, đứng đầu các nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam (khoảng 24 tỷ USD), chiếm hơn 30% tổng cam kết viện trợ cho Việt Nam. 

Theo ông Tadashi Terasaka, Tổng giám đốc Công ty IYama SeiKi thì Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng cụ thể trong thu hút FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính hoàn thiện hạ tầng và trình độ nguồn nhân lực vẫn chậm nên họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong xin cấp phép thủ tục đầu tư nên tiến độ xây dựng nhà máy.

Ông Tadashi Terasaka bày tỏ: “Môi trường đầu tư và tổ chức hành chính của các doanh nghiệp Việt Nam  tương đối phức tạp, rườm rà. Có rất nhiều điều mà chúng tôi còn chưa hiểu nên phải thuê tư vấn, không chỉ về vấn đề vốn đầu tư bỏ ra mà còn nhiểu thủ tục khác. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có chính sách cụ thể hơn để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy trong thời gian tới”.

Theo ông Phạm Vũ Hải, Giám đốc trung tâm Xúc tiến đầu tư khu vực phía bắc, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì để đạt hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư FDI cần tập trung và có chính sách ưu tiên cụ thể thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực: công nghệ cao; công nghiệp sản xuất, nhất là công nghiệp phụ trợ; phát triển hạ tầng và thị trường tài chính.

Bên cạnh đó cần khẩn trương rà soát chính sách, để tạo thuận lợi và mang lại nhiều ưu đãi mới cho nhà đầu tư. Đồng thời, việc xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, Cần có cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển thị trường tài chính, thị trường.

Ông Phạm Vũ Hải nói: “Chúng ta cần cải tiến hoạt động xúc tiến đầu tư đồng bộ và hiệu quả hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai những đề án cụ thể để trong thời gian tới hỗ trợ các địa phương, xây dựng những kế hoạch xúc tiến đầu tư, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư cụ thể đồng bộ, kết hợp được tính vùng và ngành”.

Các đại biểu cho rằng, để tăng hiệu quả hấp thụ vốn FDI cả về chất và lượng thì Việt Nam cần có cơ chế để nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đặc biệt là ngành công nghệ cao và ngành công nghiệp phụ trợ.

Bà Lê thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin  khoa học Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ năng, kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp nhận những công nghệ tiên tiến.

Bà Lê Thị Khánh Vân nói: “Tất cả các doanh nghiệp phải thấm nhuần 4 yếu tố quyết định sự thành công của chuyển giao công nghệ là thị trường, công nghệ, nhân lực và vốn. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư để làm thế nào tìm kiếm được đối tác phù hợp với mình. Chúng ta muốn đón nhận được luồng đầu tư thì bản thân chúng ta phải nỗ lực, tạo ra môi trường phù hợp thuận lợi để khi nhà đầu tư vào mình chọn lựa một cách thích hợp”./.