Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược lớn, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Quan điểm “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” được khẳng định trong Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 19).

Vậy làm sao để Nghị quyết này sớm đi vào thực tiễn, để phát huy vai trò làm chủ, vị thế trung tâm của nông dân trong điều kiện mới của công cuộc phát triển đất nước. Đây là nội dung của loạt bài “Nông dân – Vị thế người làm chủ nông nghiệp, nông thôn” của nhóm phóng viên VOV.

Bài 1: “Những nông dân “gieo mầm” đổi thay”.

Ngày trước, anh Suân, người dân tộc Ba Na ở làng Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng như bà con nông dân trồng cà phê ở đây luôn sống chung với cảnh nợ nần nặng trĩu trên vai. Ấy vậy mà, gánh nặng kéo người nông dân xuống bao năm ấy đã được giải thoát nhờ cách làm thay đổi, chuyển sang trồng “cà phê bền vững”.

Anh Suân chia sẻ: "Lúc nào cũng nợ. Năm nào cũng lãi mẹ đẻ lãi con, anh em trong làng ai cũng chán. Ngày xưa cái gì cũng là hóa học, lại ô nhiễm môi trường. Vậy nên muốn thay đổi tư duy từng cá nhân, làm gì đó sạch cho hành tinh này, nên tôi quyết định cùng hợp tác xã làm chương trình cà phê sạch".

Những người đi tiên phong trong cách nghĩ, cách làm mới, quyết tâm trồng cà phê sạch, là anh Suân và anh Lê Hữu Anh. Lê Hữu Anh, sinh năm 1986, Giám đốc Hợp tác xã Lam Anh, người được cho là có tư duy thay đổi lớn nhất bởi trước kia, gia đình anh là đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất đất Glar. Chứng kiến cảnh nông dân mua quá nhiều thuốc hoá học để phun xịt cho cây cà phê, anh vận động bà con xoá bỏ thói quen cũ để trồng cà phê sạch, bền vững, bảo vệ sức khoẻ và môi trường theo tiêu chuẩn toàn cầu UZT.

Theo anh Lê Hữu Anh: "Nếu chưa có Hợp tác xã, chưa có việc kiến tạo, chưa có sự thay đổi như thế này thì người nông dân đều sản xuất theo quán tính, lối mòn và truyền thống. Khi mình tham gia vào thì nó thay đổi, mà thay đổi tốt và phải xác định là công cuộc lâu dài".

Thực tế những năm qua, nông dân ở nhiều vùng miền đã có những đổi thay từ trong cách nghĩ đến cách thức tổ chức sản xuất, hướng tới gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Nghị quyết 26 Hội Nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề cập toàn diện cả ba lĩnh vực “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó khẳng định “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”.

Theo ông Vũ Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, khi Nghị quyết xác định nông dân là chủ thể, là trọng tâm của quá trình phát triển, thì nhiều cơ chế, chính sách đã hướng tới người nông dân.

"Vấn đề căn bản nhất trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 chúng ta đã đưa vào là người nông dân làm trung tâm; là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Người nông dân vừa là đối tượng để xây dựng chính sách, vừa là người để thực hiện các giải pháp làm sao nâng cao đời sống thu nhập người nông dân và người tổ chức thực hiện và quyết định sự thành công của Chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn" - ông Tiến nhấn mạnh.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của Nghị quyết 26 là năng lực làm chủ của người dân nông thôn được nâng lên nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ở nơi nào bà con là trung tâm trong triển khai mọi công việc với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì ở nơi đó, nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất.

Ông Tăng Minh Lộc, nguyên Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: "Chương trình nông thôn mới là cái bài học bài thực hành đầu tiên và lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết 26, Đồng thời cũng là bài kiểm nghiệm lớn nhất về việc mà chúng ta thực hiện vai trò chủ thể của người nông dân ở nông thôn.  Người dân đóng góp rất nhiều cả tiền, công sức và cả những vật tư nữa".

Những năm qua, người dân  nông thôn – chủ thể của chương trình, linh hồn của mỗi làng quê đã đồng lòng và hài lòng để xây dựng cuộc sống mới ở làng quê mình.

Theo nhiều nông dân chia sẻ:

"Dễ trăm lần dân lo cũng được mà khó vạn lần dân liệu cũng xong. Từ vấn đề đấy tôi thấy rằng khi triển khai vận động dân hiến đất, phá dỡ tường bao thì người dân chúng tôi đã thấu hiểu rất là ủng hộ".

"Trước mơ đến như bây giờ thì không dám mơ, sung túc. Đường xá này nhà tôi đóng góp. Quá thiết thực luôn, đường xá rất đẹp, đường ở đây tự dân đóng góp thắp điện sáng, tối đến đi bộ, thư giãn, đời sống tinh thần nâng cao, quá tuyệt vời".

Sự hài lòng và những nụ cười hạnh phúc của nông dân là thước đo rõ nét nhất cho sự thành công của mỗi chủ trương, Nghị quyết. Những nông dân Việt Nam vốn cần cù, chịu thương chịu khó, vất vả “một nắng hai sương” trên ruộng đồng xứng đáng được thụ hưởng những “trái ngọt” từ quá trình lao động sản xuất và dựng xây làng quê mình.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tiễn cũng cho thấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta bộc lộ rõ hơn những khó khăn, bất cập, thách thức, trong đó ở nhiều lúc, nhiều nơi, nông dân vẫn chưa thể hiện được vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn; tư duy, trình độ ứng dụng công nghệ, kiến thức tham gia thị trường; tham gia chuỗi liên kết, cung ứng toàn cầu của người nông dân còn hạn chế.

Vậy điều gì đang cản bước người nông dân thể hiện được vị thế của người làm chủ nông nghiệp, nông thôn? VOV sẽ tiếp tục phân tích về nội dung này trong bài 2 của loạt bài “Nông dân – Vị thế người làm chủ nông nghiệp và nông thôn”./.