Sau mưa lũ, người dân thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lại thấp thỏm lo âu khi nước sông Vu Gia liên tục khoét sâu vào làng. Hai phần ba đời người gắn bó với mảnh đất ven sông Vu Gia, ông Ngô Sung, ở thôn Phú Nghĩa, xã Đại An nhớ lại, cách đây vài năm, làng ông được bao phủ bởi hàng tre rậm rạp, thế mà giờ đây gần như đã bị xóa sổ bởi sạt lở. Nhiều héc ta đất nông nghiệp bị cuốn trôi, vườn tược mất trắng. Ông Sung lo lắng, mỗi khi vào mùa mưa bão người dân sống ven sông Vu Gia lại đứng ngồi không yên khi nghe tiếng đất lở ầm ầm xuống lòng sông.
“Năm 2020, 2021 đã sạt lở một sào đất, giờ thì sạt mất hơn một mẫu đất rồi. Đời sống người dân địa phương đảo lộn, không có đất sản xuất, nhất là thấy bờ sông cứ sạt lở, người dân rất lo lắng”, ông Ngô Sung chia sẻ.
Mới đây, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, gây mưa lớn kéo dài, đất ven sông ngậm nước nhão nhoẹt gặp nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mức độ sạt lở thêm nghiêm trọng. Chỉ trong 3 ngày, hơn 1,5ha đất sản xuất tại thôn Phú Nghĩa, xã Đại An đã bị nước sông “nuốt chửng”. Theo người dân thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia diễn biến phức tạp 3 năm trở lại đây, kể từ khi có công trình đập tạm ngăn dòng đưa nước về thành phố Đà Nẵng.
Ông Ngô Đình Nguyện, trưởng thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc cho biết, vào mùa mưa lũ, nước từ đập tạm đổ về cuồn cuộn gây sạt lở nghiêm trọng, làm hư hỏng toàn bộ tuyến kè khu vực này.
“Ngọn nước chảy xuống làm xói mòn bờ kè, trước đây của thôn Nghĩa Nam cũ. Nước lũ làm sụp bờ kè từ đó sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất rồi bây giờ vào tận khu dân cư, nhà ở của người dân rất nguy hiểm. Cứ đến mùa mưa là phải di dời dân”, ông Ngô Đình Nguyện cho hay.
Chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với 33 nhân khẩu, tại khu vực sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển, giăng dây cảnh báo người dân không đến gần. Những ngày qua, huyện Đại Lộc huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nhiều bao tải cát dùng để tạo thành chân móng, phía bên ngoài dùng cọc tre làm vành đai hạn chế tác động của dòng chảy, bên trong tiến hành gia cố, bảo vệ tạm thời chân bờ sông trong mùa mưa bão này.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, về lâu dài, địa phương sẽ lên phương án di dời nhà dân khu vực sạt lở đến khu tái định cư an toàn, đồng thời triển khai giải pháp công trình để hạn chế sạt lở.
“Đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam phương án đầu tư một đoạn kè ở đây để phục hồi lại diện tích đất khu vực này. Thứ hai là sẽ kiến nghị tỉnh nghiên cứu kỹ về đập ngăn nước, phải có giải pháp căn cơ để làm sao đó để vừa đảm bảo ngăn nước, dẫn nước về Nhà máy nước Đà Nẵng trong mùa khô nhưng trong mùa mưa vẫn phải hạn chế không gây sạt lở", ông Lê Văn Quang cho hay.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 57 khu dân cư với 3.500 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở và ngập lụt khu vực ven sông, ven biển. Hiện, số hộ dân trong diện di dời quá lớn, trong khi các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng các khu tái định cư. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang khẩn trương rà soát hộ dân ở vùng nguy cơ cao, lên phương án di dời tạm khi có bão, lũ.
“Đề nghị các địa phương chú trọng phương châm “4 tại chỗ”. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương ứng dụng khoa học công nghệ cho người dân biết sớm và phòng chống tốt hơn. Chúng tôi liên tục chỉ đạo đảm bảo quy trình xả nước, tích trữ nước an toàn", ông Hồ Quang Bửu cho hay./.