Có ý kiến cho rằng, sang năm nay, chiến thuật tăng giá xăng đã thay đổi từ việc tăng một lần vọt hẳn lên nay chuyển sang tăng làm nhiều lần, mỗi lần một ít. Phải chăng giá xăng chưa minh bạch nên mỗi lần tăng giá xăng, nhiều người cảm thấy chưa thỏa đáng?
Các dịch vụ vù vù tăng theo phí vận chuyển
Giá xăng tăng chưa lâu, nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tính chuyện tăng giá. Theo một số doanh nghiệp vận tải, trước do quy định về siết tải trọng xe của Bộ giao thông vận tải nên cũng có DN đã tăng giá, có DN chưa tăng, nhưng đến nay cộng thêm việc giá xăng tăng thì bắt buộc các doanh nghiệp phải tính lại giá cước.
Ảnh: KT |
Thông tin từ Cty Thép Việt Nhật cho biết, Cty này mới tăng giá thép lên 200 đồng mỗi kg. Lí do tăng là do giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ngoài phí vận chuyển thì giá dầu FO dùng trong sản xuất cũng liên tục tăng từ đầu năm đến nay, do đó buộc cty phải điều chỉnh giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Trên thị trường, giá vật liệu xây dựng cũng bắt đầu tăng. Theo một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đầu cầu Chương Dương, giá bán vật liệu một số cty thép chỉ tăng 1%, tuy nhiên giá vận chuyển đã kịp thời tăng thêm từ 20 - 30%.
Anh Bùi Văn Trung làm nội thất tại Ngọc Thụy, Long Biên Hà Nội, giá gỗ nguyên liệu đã tăng thêm 4% so với cách đây vài ngày, các loại keo dán, phụ kiện đi kèm cũng đã tăng thêm từ 2 - 3%. Tiền công vận chuyển cũng đã tính tăng thêm 3% nữa... Dù mức tăng không nhiều, mỗi mặt hàng chỉ tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng, nhưng 1 sản phẩm hoàn thiện thì có rất nhiều phụ kiện đi kèm, nếu cộng cả vào sẽ đội giá lên đến vài trăm nghìn đồng. Nếu sản xuất khối lượng càng lớn, thì đơn giá sẽ bị đội lên khá cao.
Chợ cũng nhấp nhổm tăng
Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần tăng giá thứ 3. Trước đó ngày 19/3, xăng tăng thêm 180 đồng/lít và ngày 21/2, xăng đã tăng 300 đồng mỗi lít.
Trong những lần tăng giá của các năm trước đó, một điều có thể nhận thấy rằng, mỗi lần giá xăng tăng, thì dù đã điều chỉnh giảm nhiều lần cũng không bù đắp nổi một đợt tăng giá. Sang năm nay, xăng đã tăng tới 3 lần, những mỗi lần đều tăng rất ít và chưa có sự điều chỉnh giảm (trừ mặt hàng dầu đã tăng, giảm tới 7 lần).
Sau khi giá xăng tăng, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định, nhưng nhiều mặt hàng đặc sản theo vùng miền như xoài cát, vú sữa, bơ... đã tăng tới 30%.
Theo chị Trần Thị Hòa bán hoa quả ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, giá tăng không phải do sản phẩm khan hiếm mà do chi phí vận chuyển tăng. Phí vận chuyển tăng, người bán hàng chỉ còn cách tính cả vào giá thành sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Vẻ bán thịt ở chợ Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội cũng cho biết, chị vừa nghe lò mổ thông báo về việc tăng giá thịt trong thời gian tới do phí vận chuyển đội lên cao.
Không chỉ ở chợ, các mặt hàng trong siêu thị cũng không nằm ngoài quy luật tăng giá. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng không ảnh hưởng tức thì đến giá cả hàng hóa tiêu dùng nhưng sẽ gây khó khăn cho các DN vận tải, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Đối với hệ thống siêu thị, sau mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, khoảng 2 tuần đến 1 tháng mới tác động đến hàng hóa.
“Trong thời gian đó, sẽ có sự thỏa thuận, tính toán về giá cả giữa nhà cung ứng và nhà phân phối. DN phải có văn bản điều chỉnh, viết lại giá, nhập số liệu vào máy… nên không thể nói tăng là tăng ngay được” ông Phú nói.
Dù giá xăng tăng không nhiều, nhưng do sự thiếu minh bạch về thông tin tài chính nên mỗi lần tăng giá người tiêu dùng lại cảm thấy chưa thỏa đáng. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa ra chỉ thị cho Tập đoàn xăng dầu Việt Nam khẩn trương tổ chức triển khai việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lí và sử dụng quỹ bình ổn giá. Đặc biệt, Bộ Công thương cũng yêu cầu đơn vị này công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp, bao gồm tiền lương, thưởng của nhân viên và lãnh đạo.
Giá xăng đi ngược giá thị trường là do chính sách
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thường thì mỗi lần tăng giá xăng là nhiều mặt hàng té nước theo mưa và xăng thì tăng ít, hàng hóa lại tăng nhiều. Điều này cần phải quản lí chặt về giá cả hàng hóa.
Về cách tính giá xăng dầu, người dân muốn khi giá thế giới giảm thì ngay lập tức, giá xăng trong nước phải giảm vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, giá xăng hiện nay đang được tính theo chu kì 30 ngày, bởi vậy, khi giá thế giới giảm thì giá trong nước vẫn phải tính trong chu kì trước đây.
Do vậy nếu không theo kịp giá thế giới là do cách tính trong quy định của nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải minh bạch, công khai về tài chính.
Ngoài ra, cơ quan quản lí cần phải giám sát chặt việc quản lí giá, bởi chắc chắn trong thời gian gần, nhiều mặt hàng sẽ ăn theo giá xăng để tăng giá vô tội vạ cho dù giá xăng lần này tăng không nhiều.
Trước những bất cập về điều hành giá xăng dầu trong Nghị định 84 quy định tính giá xăng dầu dựa trên biến động 30 ngày đã tạo ra độ trễ giữa giá trong nước và giá thế giới. Để sửa chữa lại bất cập này, cơ quan chức năng đang ra dự thảo bổ sung và thay thế Nghị định 84, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày và sẽ được tính theo giá bình quân 15 ngày đầu của chu kì dự trữ (30 ngày). Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được vấn đề này.
Chị Trần Ngọc Loan tiểu thương bán rau ở chợ Du Nội, Mai Lâm, Hà Nội: Giá cả ở Hà Nội mấy năm trở lại đây tăng chóng mặt khiến không ít người dân, kể cả người khá giả cũng kêu than. Cứ mỗi lần gas, xăng, điện tăng giá là người tiêu dùng lại “thót tim” vì giá dịch vụ, giá cả các mặt hàng thiết yếu lại nhảy múa.
Cho đến nay, dù chưa dám tăng giá rau, nhưng chi phí vận chuyển tính ra cũng đã tăng thêm khoảng 20.000 đồng/chuyến đi lấy hàng ở tận vườn. 20.000 đồng không phải là nhiều so với tiền hàng. Tuy nhiên về lâu dài thì vẫn phải tìm cách len lách vào giá sản phẩm để bù vào chi phí tiền xăng, tránh lỗ.
Anh Nguyễn Ngọc Trình, có xe riêng thuê thương hiệu hãng taxi Thế kỉ mới: Giá hiện tại của hãng là 11.500 đồng/km, nhưng một năm nay cty chưa tăng giá, nên cũng khó cho người lái xe. Cách đây 2 năm, mình có xe thuê thương hiệu để chạy thì tỉ lệ ăn chia là 50%, khi đó mình được lợi nhuận 40% sau khi trừ đi hết. nhưng bây giờ giá xăng cứ tăng không ngừng nghỉ thì tính ra mình chỉ được lợi nhuận là 20%.
Đợt vừa rồi tăng có hơn 200 đồng thì không đáng kể, nhưng từ đầu năm đến giờ là 3 lần tăng mà giá cước của hãng 1 năm nay không thay đổi thì là quá thiệt thòi. Xe của mình ăn ít xăng nên tính bình quân cả 3 đợt tăng thì chạy 100km là đội lên khoảng 20.000 đến 30.000 đồng.
Hôm trước chúng tôi đi họp cũng thấy Cty đang rục rịch tăng giá, nhưng còn đang cân nhắc giữa phương án tăng 500 đồng/km và 1.000 đồng/km.
Cánh lái xe cho rằng, đã tăng thì tăng 1000, còn tăng 500 thì không bõ bèn gì, nhưng nếu tăng 1.000 đồng lại cao hơn 1 số hãng thì lại không cạnh tranh. Vì thế nên còn đang bàn bạc thêm về vấn đề này, nhưng tăng giá là điều không tránh khỏi./.