Tại Hội thảo Phát triển dịch vụ Logistics, du lịch và cơ hội đầu tư trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tổ chức hôm nay (17/8) tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định: "Hành lang kinh tế Đông Tây chưa tạo ra tiếng nói chung trong các dịch vụ Logistics, du lịch".
Khi tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển du lịch…, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là dịch vụ giao nhận, bốc xếp hàng hóa; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa; đại lý vận tải và các dịch vụ hỗ trợ Logistics.
Thời gian qua, nhiều hạng mục hạ tầng giao thông chủ chốt trên tuyến hành lang này được đầu tư nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động du lịch, vận chuyển hàng hóa, trao đổi thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, hợp tác phát triển dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập như: việc hàng hóa từ Thái Lan về Việt Nam phải qua 4 cửa khẩu mất nhiều thời gian; giá cả dịch vụ tại Cảng Đà Nẵng còn cao hơn nhiều so với Thái Lan...
Ông Trường Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giao nhận vận tải Đà Nẵng cho biết: Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đã hình thành từ lâu nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Để phát triển dịch vụ Logistics trên tuyến hành lang này cần có sự liên kết với nhau, nâng trình độ dân trí, tạo vùng dân cư từ đó kêu gọi đầu tư ở các vùng dọc theo tuyến hành lang để tạo nguồn lực về hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu hàng hóa thu hút về Cảng Đà Nẵng thì thủ tục cần phải làm thông thoáng, tạo điều kiện giống như liên kết khối EU sẽ tạo được điều kiện vững vàng hơn, để kéo hàng về Cảng Đà Nẵng./.