Nhiều địa phương trong tỉnh đã phát động lễ ra quân khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2019. Ngoài việc đầu tư ngư cụ, cải hoán tàu cá để vươn khơi, ngư dân Bình Định đã trang bị thêm các thiết bị đánh bắt hiện đại, giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sau chuyến khai thác xa bờ xuyên Tết, ngư dân Hồ Quang Vinh, ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chủ tàu cá BĐ- 92014 lại hối hả chuẩn bị ngư cụ, đá, nhiên liệu cho chuyến đánh bắt mới. Đầu năm nay, tàu cá của anh Vinh ra khơi mở biển lấy may, thu về nguồn lợi hải sản lớn, bán được giá nên ai nấy đều rất phấn khởi.
Ngư dân Hồ Quang Vinh chia sẻ, không khí tại cảng cá Quy Nhơn nhộn nhịp hơn thường ngày, tàu nào cũng chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá cây... tràn đầy khí thế cho mùa ra khơi đầu năm thắng lợi.
“Bà con ngư dân gắng đi làm càng ngày càng đông, làm tích cực. Bà con đánh bắt trong ngư trường của mình, cũng mong làm ăn phát đạt” - anh Vinh nói.
Khai thác cá ngư đại dương là mũi nhọn của ngành thủy sản Bình Định. |
Đầu mùa vụ khai thác hải sản năm nay, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ phát động ra quân khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản. Đây là địa phương có đội tàu cá xa bờ lớn nhất tỉnh với sản lượng khai thác lớn, chủ yếu là đánh bắt cá ngừ đại dương, đem lại nguồn thu nhập cao. Tại lễ ra quân, địa phương đã tặng các chủ tàu 400 lá cờ Tổ quốc, thả 10 vạn tôm giống và 10.000 con cá chẽm xuống cửa biển Tam Quan nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, ngành thủy sản đã phổ biến đến ngư dân việc khai thác phải gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khai thác tận diệt. Theo ông Võ Đình Tâm, sản lượng khai thác hải sản vùng khơi tuân thủ theo Luật Thủy sản, đặc biệt là đánh bắt cá ngừ đại dương, hướng tới phát triển nghề cá bền vững.
“Khi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép hạn ngạch khai thác bao nhiêu tàu, bao nhiêu sản lượng thì căn cứ vào đó để công bố lại cho ngư dân. Luật Thủy sản giao vùng lộng và vùng bờ cho địa phương phải tính toán, điều tra nguồn lợi. Ví dụ có 100 con cá thì chỉ khai thác 30- 50 con, còn lại để lại cho mùa sau” - ông Tâm cho biết.
Ngành thủy sản tỉnh Bình Định yêu cầu ngư dân chấp hành nghiêm luật Thủy sản. |
Hiện nay, tỉnh Bình Định có 6.150 tàu cá trong đó có 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Đa số tàu cá của ngư dân tỉnh này đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, sản phẩm chính là cá ngừ đại dương.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đầu mùa vụ năm nay, ngành nông nghiệp tích cực tuyên truyền ngư dân khai thác không xâm phạm lãnh hải các nước; thực hiện theo quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo ông Trần Văn Phúc, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra giám sát chặt chẽ tàu cá xuất nhập cảng, lộ trình khai thác ngoài khơi và truy xuất nguồn gốc hải sản.
“Mong muốn rằng các chủ tàu khi đi khai thác ở vùng biển cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp không khai báo không theo quy định. Thường xuyên mở máy hoạt động để thông tin vào bờ với Chi cục Thủy sản để nắm bắt hoạt động của tàu, đặt biệt trong chuyến khai thác phải báo cáo đầy đủ, đúng quy định” - ông Phúc nói./.
Quảng Ngãi: Đầu năm, ngư dân trúng mùa hải sản
Ngư dân Lý Sơn ra quân đánh bắt hải sản