Đại dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là một dự án vô cùng quan trọng, đó là việc giải tỏa đất dự án 5.000ha và thực hiện di dời, tái định cư một cộng đồng dân 6 xã của huyện Long Thành gồm 5.381 hộ, với hơn 17.000 nhân khẩu và diện tích đất thuộc xã Bàu Cạn (157ha), Long Phước (gần 320ha), Cẩm Đường (trên 500ha), Long An (gần 660ha), Suối Trầu (1.258ha), Bình Sơn (gần 2.000ha).
Trong số này có khoảng 3.321 hộ dân sẽ bị giải tỏa trắng phải đến nơi ở mới, tìm kiếm công việc làm mới, 14.714 nhân khẩu đang độ tuổi lao động bị ảnh hưởng, 1.500ha cao su bị mất, 700 công nhân cạo mủ cao su mất việc làm… Những con số thống kê cơ học ấy đã vẽ nên một bức tranh với trăm ngàn mối lo âu, ngổn ngang với người dân 6 xã trong vùng dự án khi nghe tin rục rịch khởi động dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thông tin quy hoạch dự án đã đến với người dân 6 xã nhiều năm qua, nhưng thuộc dạng “treo” khiến cho mọi công việc thường nhật của dân liên quan đến đất đai, sản xuất nông nghiệp, nhà cửa thường xuyên bị đảo lộn. Tại xã Suối Trầu, nơi phải giải tỏa trắng, tâm trạng lo âu của người dân nơi đây vẫn chưa dứt. Một nông dân ở ấp 2 cho biết, thông báo quy hoạch đã biết mấy năm rồi, nếu di dời phải chấp nhận thôi. Nhưng lo nhất là đất đai, công việc sau này.
Theo nông dân này cho biết, hơn 2 ha điều lộn hột là “kinh tế” chính của gia đình ông hơn mấy chục năm qua, còn căn nhà lụp xụp gia đình ông đang sống do không được phép xây mới. Lo lắng của tất cả người dân trong vùng giải tỏa đất dự án chính là công việc, cuộc sống mới nơi đô thị tái định cư với những nông dân thuần nông như họ không biết sẽ ra sao?
Trình độ văn hóa thấp, không quen buôn bán, dịch vụ hay làm công nhân công nghiệp nỗi quan ngại này đang đặt ra cho người dân một tương lai chưa thấy hấp dẫn, sáng sủa. Thực hiện dự án thu hồi đất của 5.381 hộ dân, hơn 17.000 nhân khẩu không phải là chuyện nhỏ, các phương án đưa ra về tái định cư, về di dời không đơn giản là di dời tạo nơi ở mới cho dân mà còn tái bố trí đất sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, trường, trạm, đường, điện, cơ sở tôn giáo, thờ tự, mồ mả…
Ông Ngô Thế Ân, PCT UBND huyện Long Thành cho biết: Trong khu vực dự án, xã bị ảnh hưởng sâu nhất là xã Suối Trầu. Sau khi di dời chỉ còn 200ha đất sản xuất, còn toàn bộ dân cư chủ yếu là công nhân cao su và nông dân làm ruộng rẫy đều phải di dời hết.
Tại nơi được bố trí tái định cư, đất sản xuất cũng còn rất ít, chủ yếu là đất trồng cây cao su thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, nên việc bố trí công việc tương tự rất khó khăn. Hiện UBND huyện Long Thành đã liên hệ được với Công ty ChangShin VN để giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 người làm công nhân tại công ty này.
Chia sẻ khó khăn của người dân trong vùng dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cho rằng, Đồng Nai có thể học hỏi kinh nghiệm của dự án thủy điện Sơn La khi thực hiện tái định cư. Chúng ta quy hoạch làm sân bay hoành tráng mà không quan tâm đến hàng chục ngàn người dân để họ có cuộc sống ổn định khi di dời là không được.
Được biết, hiện nay, đề án tái định cư và giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân trong khu vực giải tỏa làm sân bay được UBND tỉnh và ban, ngành, sở, UBND huyện Long Thành lập 2 khu tái định cư tại xã Bình Sơn 282,3ha và xã Lộc An 282ha, đủ sức giải quyết chỗ ở cho hơn 54.000 người, trước mắt là tái định cư cho 3.381 hộ giải tỏa trắng tại xã Suối Trầu. Tổng vốn đầu tư hai dự án trên 4.100 tỷ đồng, từ tháng 5/2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép ứng vốn thực hiện tái định cư.
Mặc khác, khu vực được bố trí tái định cư cho người dân nằm cạnh sân bay quốc tế tương lai, nên sẽ trở thành một khu đô thị mới và có điều kiện phát triển thành đô thị khi sân bay đưa vào hoạt động khai thác. Kinh tế phát triển, đồng nghĩa với sự phát triển hạ tầng cơ sở, tình hình an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông, dân số…
Các nhà hoạch định đề án tái định cư cũng nhắc đến hướng mở cho cuộc sống người dân sau tái định cư, như cam kết hứa hẹn người dân sẽ được đào tạo miễn phí các nghề may mặc, dịch vụ nấu ăn, khách sạn, siêu thị, cơ khí, điện tử… sau đó sẽ được bố trí vào làm việc trong các khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, cụm công nghiệp Bình Sơn, KCN Long Đức và các KCN trên địa bàn 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Đã 10 năm trôi qua từ khi dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được hình thành, đời sống của người dân và cơ sở hạ tầng nơi đây dường như mỗi ngày thêm tệ hại hơn bởi không được đầu tư, ổn định.
Dự án vẫn đang được các cơ quan chức năng cao nhất tiếp tục góp ý, điều chỉnh phù hợp mới phê duyệt, nên vẫn chưa chính thức công bố. Nhưng với người dân 6 xã trong vùng dự án đã thật sự xôn xao, khởi động./.