Thảo luận và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) đánh giá, từ năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới đã tạo ra những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó đáng kể là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia. Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 so với năm 2007 đã tăng gấp 3 lần. Hiện nay, Việt Nam đứng hạng thứ 34 trong kim ngạch xuất khẩu thế giới.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã bộc lộ một số tồn tại nhất định. Phân hóa giàu, nghèo, tác động tổn thương đến các nhóm yếu thế. Vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tác động đến ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng. Hội nhập đã mở ra một không gian cơ hội rất lớn nhưng thử thách là không nhỏ. Đặc biệt là hộ nông dân, hộ chăn nuôi là khu vực dễ bị tổn thương nhất.
“Người nông dân hiện nay đang có nhiều cố gắng hội nhập nhưng những vấn đề WTO, FTA, AEC, TPP quá là phức tạp. Người nông dân mới chỉ biết tiểu thương, mua cái gì, giá là bao nhiêu và cũng không cần biết hàng hóa đó đi đâu, bán cho ai và giá cả như thế nào”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Từ thực tế này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý đến việc bồi dưỡng nội dung kiến thức về hội nhập, đặc biệt là công tác tuyên truyền cho nông dân, cho lĩnh vực nông nghiệp theo một đề án riêng. Một đề án tuyên truyền hết sức đặc thù phải hết sức đơn giản nhưng có hàm lượng khoa học trí tuệ cao cho đội ngũ cán bộ xã.
Để đảm bảo lợi ích công bằng khi tham gia WTO, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hết sức quan trọng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là vấn đề về chuyển giá. Bởi hiện nay, đầu tư nước ngoài họ đầu tư vào Việt Nam nhiều là do chúng ta ưu đãi nhiều. Như vậy khi chúng ta không còn ưu đãi thì khu vực này có thể bị giảm sút và khi đó kinh tế chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH TP HCM) thì nhận định, sau khi chúng ta gia nhập WTO, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện WTO. Tuy nhiên trên thực tế, dường như chương trình thì có nhưng thực hiện quá ít, chương trình mới tồn tại trên chương trình.
Do đó, Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, trong Nghị quyết Quốc hội cũng như Chính phủ phải hiện thực hơn một số vấn đề bất cập, bằng cách hiệu quả hơn triển khai trương trình hành động của Chính phủ trong quá trình hội nhập, giải quyết những vấn đề hiện nay còn tồn tại.
Lập hàng rào kỹ thuật bảo đảm không bị lợi dụng
Nói về khả năng lập hàng rào kỹ thuật trong quá trình tham gia WTO, Đại biểu Trần Du Lịch đánh giá, chúng ta rất yếu trong nhiều lĩnh vực không có hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt hàng rào kỹ thuật mà chỉ áp dụng cho nhập khẩu, sản xuất trong nước không áp dụng thì chúng ta bị kiện ngay ở WTO.
“Đây là vấn đề rất khó khăn nên chúng ta phải tính. Dựng hàng rào kỹ thuật ở cỡ nào, vấn đề sản xuất trong nước phải được giải quyết để nâng cao về mặt kỹ thuật đối với hàng rào mà chúng ta xây dựng, như thế mới mang lại hiệu quả. Nếu không, chúng ta vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, một trong 4 nguyên tắc quan trọng của WTO”, Đại biểu Trần Du Lịch phân tích.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn ĐBHQ tỉnh Tiền Giang) nhìn nhận, Việt Nam tuy tham gia quá trình hội nhập nhưng khả năng lập hàng rào kỹ thuật rất yếu. Cụ thể là khi tham gia WTO, chúng ta chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra, hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất kém và việc này còn bỏ ngỏ.
Đại biểu lấy ví dụ, cách đây 10 năm chúng ta có hàng rào kỹ thuật về một hóa chất chỉ được sử dụng bao nhiêu loại thuốc, nhưng 10 năm trở lại đây Bộ Y tế bỏ hàng rào kỹ thuật đó. Do đó, trách nhiệm chính của Chính phủ là chỉ đạo việc lập hàng rào kỹ thuật, vì sắp tới khi tham gia vào FTA, TPP sẽ không bảo vệ được thị trường trong nước.
“Những hàng rào kỹ thuật này không phải là luật, chúng ta không thể đưa vào luật được. Chính phủ phải đặc biệt chú ý và đặc biệt tuyển chọn những người có tâm huyết, có khả năng, có kinh nghiệm để làm vấn đề này. Nếu chỉ đi theo nước ngoài thì một lần nữa chúng ta tiếp tục “khôn nhà dại chợ”, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên chỉ rõ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, cụ thể là nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hàm lượng công nghệ trong từng sản phẩm, nâng cao giá trị tài nguyên mà chúng ta xuất khẩu là giải pháp mà Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) đưa ra khi bàn về quá trình gia nhập WTO. Theo đó, chúng ta phải có chính sách đổi mới chính sách thu hút đầu tư, không tiếp nhận công nghệ rẻ tiền, thuê nhân công quá nhiều khiến hàng hóa rẻ mạt và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, khi rào cản thuế quan bị hạ xuống bằng 0, rào cản hành chính bị phê phán nên chúng ta cam kết phải giảm cho nên bất công của WTO chính là rào cản kỹ thuật. Vì ở các quốc gia khác điều kiện của họ rất cao, hàng hóa nước ta xuất khẩu vào cực kỳ khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải làm.