Khốn đốn vì thị trường “co hẹp”

Nhiều thách thức của ngành gỗ đã được đề cập tại hội thảo đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức, đề xuất các khuyến nghị về hoàn thiện chính sách và phát triển bền vững ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, diễn ra ngày 18/3, tại Hà Nội. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn cho rằng, ngành gỗ Việt Nam có những đặc thù riêng như: non trẻ, tốc độ phát triển nhanh, dễ thích nghi với thị trường mới nhưng cũng dễ bị tổn thương khi có tác động từ bên ngoài. “Đa số các doanh nghiệp trong ngành làm các đơn hàng từ cuối quý IV/2008, sang quý I/2009, các đơn hàng đang cạn dần. Tôi cho rằng, sang quý II và III/2009, tình hình ngành chế biến gỗ còn khó khăn hơn nữa” - ông Mạnh cho biết.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ. Theo ước tính, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Mỹ và các nước EU năm 2008 giảm đến 30%, do đó kéo theo sự giảm sút về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, riêng 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã giảm hơn 26% và là một trong những ngành có mức độ giảm sút cao nhất. Sang năm 2009, thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ bị thu hẹp. Riêng đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ, EU có thể giảm tới 30 - 35% và có nhiều hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn như Đạo luật Lacey của Mỹ, Hiệp định Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) của EU cũng tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp nước ta.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tỏ ra lo lắng khi những thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, EU… Tại những thị trường này, ta đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ 3 nước: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan - vốn có lợi thế và năng lực cạnh tranh cao. Trong khi đó, các thị trường mới như Nga, rất có tiềm năng, mỗi năm nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD đồ gỗ, thì ta lại chưa tiếp cận được. “Không biết năm nay ngành gỗ có đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD hay không” - ông Quyền lo lắng.

Làm gì để phát triển bền vững?

Trước tình hình như vậy, một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thậm chí thua lỗ, phá sản. Ông Trần Đức Thuần, Giám đốc Công ty TNHH phát triển Hưng Long cho biết: Nhu cầu sử dụng đồ gỗ ở thị trường nội địa ngày càng tăng, bình quân khoảng 15%/năm, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thế giới. Từ năm 2008, Công ty đã hướng vào thị trường nội địa. Năm 2009, thị phần nội địa của Công ty sẽ chiếm tới 80%, tăng 30% so với năm 2008.

Theo ông Thuần, khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới và lựa chọn. Vì thế, cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Mạnh, cái khó của doanh nghiệp ngành gỗ là yếu về vốn, năng lực sản xuất nên rất khó có thể tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại. “Nếu không tham gia được vào các chương trình xúc tiến thương mại thì sẽ không có đơn hàng. Không có đơn hàng thì các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu không có gì để nói” - ông Mạnh nói.

Để chống chọi với suy thoái, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng: Có 3 giải pháp cấp bách, đó là: Ngân hàng cần thay đổi cách cho vay dựa vào thế chấp hiện nay bằng cho vay tín chấp thông qua sự bảo lãnh của Hiệp hội hoặc UBND xã; Nhà nước cần tăng lượng hỗ trợ cho chương trình xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Cụ thể, cứ xuất khẩu được 1 USD, Nhà nước cần hỗ trợ 20 đồng để doanh nghiệp đi tìm thị trường; Doanh nghiệp phải chủ động tìm cách xây dựng chiến lược sản phẩm, đội ngũ công nhân… để tháo gỡ khó khăn cho chính mình./.