Chiều 21/5, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Vũ Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, thanh khoản các ngân hàng hiện đang dư thừa. Dẫn một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Mạnh nói, đến thời điểm gần đây có tới 70% doanh nghiệp cho rằng lãi suất không phải là vấn đề chính. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ, doanh nghiệp không muốn vay do không biết sản xuất hàng hóa ra có bán được không.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN). |
Về phía các NH, theo quan sát của bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), các NHTMM cũng không dám cho vay dưới chuẩn vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tăng trưởng tín dụng của các TCTD trước đây trên 30%, giờ họ phải cơ cấu lại tài khoản nợ-có để hoạt động an toàn. “Để giúp tín dụng khơi thông thì phải tăng khả năng hấp thụ nền kinh tế bằng nhiều giải pháp khác, như thúc đẩy thị trường, giải phóng hàng tồn kho. Còn nếu chỉ làm cho DN đủ điều kiện vay vốn NH thì nguy cơ nợ xấu quay lại rất cao” – bà Hồng nói.
Tham gia buổi trao đổi, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, doanh nghiệp là những người lính trên mặt trận khó khăn đó. Do vậy, cứu doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế, theo TS.Ánh, cần phải có sự giúp sức của các bộ ngành chứ không nên trông đợi quá nhiều vào Ngân hàng Nhà nước.
“Lãi suất quan trọng vì nó là cái giá của vốn. Nhưng giờ lãi suất có xuống nữa cũng không còn là yếu tố quyết định. Tôi gặp doanh nghiệp, họ nói anh có hạ lãi suất xuống 0% em cũng không vay. Doanh nghiệp chủ yếu vay dài hạn, kinh doanh dựa vào vốn lưu động tự có. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là tắc tín dụng, tắc vì nợ, nợ lòng vòng rồi nợ đọng chảy vào ngân hàng. Chúng ta cần giải quyết nhanh, dứt điểm cái vòng luẩn quẩn này”, ông Ánh chia sẻ.Nền kinh tế không hấp thụ được vốn
Khẳng định lãi suất không còn là “chìa khóa” giải quyết khó khăn hiện nay của DN, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mặt bằng lãi suất đã trở về giai đoạn 2005-2007 và với điều kiện kinh tế hiện nay là mức lãi suất hợp lý. Điều đáng lo nhất là tổng cầu của nền kinh tế rất thấp, đầu tư xã hội, sức mua trên thị trường giảm mạnh. “Tôi cho rằng nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ thì khó có thể vực dậy nền kinh tế vào lúc này. Gần đây các nước trên thế giới đang xem xét lại trần nợ công và có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem lại giới hạn nợ công, nới lỏng bội chi ngân sách để có thể gia tăng chi tiêu công, tăng đầu tư và nâng tổng cầu cho nền kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, lãi suất cho vay từ đầu năm tới nay đã giảm 2-4%/năm, mặt bằng cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên hiện 8-10%, doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt còn được chào lãi suất ở mức hấp dẫn 7 - 8,5%/năm và dư nợ có lãi suất trên 15% chỉ chiếm gần 15%. Nhưng tín dụng không thể tăng cao hơn nữa mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Cũng theo bà Hồng, NHNN chỉ đạo các TCTD rà soát khó khăn của DN cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vốn vay, cấp tín dụng… NHNN cũng đã tổ chức các đoàn công tác đến nhiều tỉnh, thành gặp các TCTD, DN trên địa bàn và lãnh đạo địa phương. Tại các hội nghị này, DN đã trình bày những khó khăn, vướng mắc. Nhiều vướng mắc được giải quyết và ghi nhận tiếp tục giải quyết thời gian tới.
Tại các địa phương do nợ đọng xây dựng cơ bản khá cao nên doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn. Còn với nhóm doanh nghiệp không đủ điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay vì điều này dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế.
Theo đại diện một số ngân hàng, chính sách điều hành lãi suất thời gian qua là hợp lý; mức trần lãi suất huy động 7,5% và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên 13% là phù hợp với điều kiện hiện nay.
Biên độ lãi suất bao nhiêu là hợp lý
Theo đánh giá của TS.Nguyễn Trí Hiếu, mức chênh lệch lãi suất đầu vào và ra 6% hiện nay bất hợp lý. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, biên độ này ở chỉ 2 - 3%.
Ngay lập tức, các NHTM đã phản ứng với con số mà TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra. Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank dẫn chứng: Dựa trên thực tế cho vay của ngân hàng, rồi tính toán chi phí đầu vào - đầu ra, mức chênh lệch này chỉ xấp xỉ 4%. Hiện dư nợ của Agribank là 470.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ.
Theo ông Đông, trong cơ cấu vốn ngân hàng hiện nay chủ yếu là vốn huy động từ thời điểm lãi suất 12% năm ngoái, đến tháng 8 - 9 tới mới hết những khoản tiết kiệm lãi suất huy động 12%, do đó, các ngân hàng không “lãi lớn” như nhiều ý kiến đánh giá. “Chúng tôi đã có tính toán, với những doanh nghiệp có thể thoát ra khỏi khó khăn, ngân hàng sẽ tháo gỡ cùng. Chúng tôi chấp nhận lãi suất 6 - 8% để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, hiện ngân hàng đã có nghị quyết hội đồng thành viên để cùng thực hiện”, ông Đông khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của ông Đông, ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, nếu ngân hàng đẩy mức chênh lệch lên cao là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện tại, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra tại Vietcombank ở mức trên 3%. Do tăng trưởng tín dụng năm nay không được như năm trước, nên mục tiêu đặt ra của ngân hàng là chất lượng tín dụng, rà soát khách hàng để đảm bảo duy trì chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, theo ông Cao Sỹ Kiêm, vướng nhất hiện nay của tín dụng là nợ xấu vẫn còn. DN nợ thuế cộng nợ xấu nên NH cũng không dám cho vay. Thời gian qua, việc giải quyết nợ xấu chủ yếu vẫn là cơ cấu về kỹ thuật còn gốc rễ là phải giải quyết “sức khỏe” nền kinh tế bằng việc đưa những yếu tố mới vào, kiên quyết đưa những DN không đủ điều kiện ra khỏi thị trường./.