Ngày 21/5, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm phân tích, nhìn nhận về tình hình lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây, đồng thời xác định mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, cũng như đưa ra những khuyến nghị về chính sách.

Tiến sỹ Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, đối với những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc chấp nhận mức lạm phát cao hơn là một điều tất yếu. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao lại có tác dụng ngược lại, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Theo thống kê về diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức hai con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống. Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng... để kiềm chế lạm phát, song các biện pháp này đều mang tính chất tình thế với khả năng gây ra bất ổn của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Tiến sỹ Đào Văn Hùng cho biết: Kiểm soát lạm phát của Việt Nam những năm 90 khá tốt, nhưng các năm gần đây lạm phát chưa ổn định. Trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, chúng ta cũng không nên kì vọng mức lạm phát quá thấp với nền kinh tế đang phát triển. Chúng tôi cho rằng xác định lạm phát của Việt Nam thời gian tới cần tính đến các yếu tố về tăng trưởng để cho nó hài hòa, cũng không nên để lạm phát quá thấp để giá phải trả là tỉ lệ tăng trưởng thấp.

Theo Tiến sỹ Phạm Thị Thu Trà, chuyên viên kinh tế cao cấp của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, hiện Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về ngưỡng hiệu quả cho lạm phát. Trước sức ép lạm phát, Chính phủ đã chuyển sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và chấp nhận tăng trưởng thấp. Tiến sỹ Phạm Thị Thu Trà cho rằng,  kiểm soát lạm phát cần kết hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tránh được việc phải đánh đổi giữa tăng trưởng và giảm lạm phát nếu tiến hành những cuộc cải cách lớn về cơ cấu.

“Sự tín nhiệm của 1 chính sách giảm lạm phát không đơn thuần chỉ đến từ 1 vài động thái chính sách đơn giản mà nó phải đến từ niềm tin của dân chúng vào 1 công cuộc cải cách kinh tế mang tính chất sâu rộng và mạnh mẽ. Để dân chúng có thể tin được những công cuộc cải cách kinh tế mà Chính phủ đang tiến hành sẽ gia tăng hiệu quả của nền kinh tế và khắc phục được những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Nếu Việt Nam có thể làm được những công việc đó và có thể thuyết phục được dân chúng tin vào những chính sách đó thì Việt Nam sẽ đạt được sự thành công và đạt được 2 mục tiêu tăng trưởng và giảm lạm phát”- Tiến sỹ Phạm Thị Thu Trà lưu ý thêm./.