Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới có văn bản gửi Sở GTVT TP Hà Nội về việc điều chỉnh tốc độ khai thác trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đồng thời đề xuất phương án điều chỉnh vạch sơn khu vực đường dẫn lên, xuống tuyến đường này cho phù hợp với tình hình giao thông hiện tại, góp phần tăng năng lực thông hành, giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo đó, từ ngày 1/3/2016, trên tuyến đường Vành đai 3 có dải phân cách giữa, xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn sẽ được khai thác với tốc độ tối đa 90km/h. Tại những đoạn không có giao cắt đồng mức, là đường riêng biệt cũng được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị điều chỉnh tốc độ cho phép khai thác từ 80km/h (hiện tại) thành 90km/h.

vd3_dhrr.jpg
Việc điều chỉnh tốc độ và bổ sung vạch kẻ đường sẽ giảm nguy cơ ùn tắc, tránh xung đột lưu thông trên tuyến vành đai 3. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, để giảm nguy cơ ùn tắc, tránh xung đột lưu thông trên tuyến đặc biệt là tại các điểm ra – vào đường Vành đai 3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh vạch sơn trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao.

Cụ thể, đối với khu vực đường xuống, bổ sung vạch sơn nét liền kết hợp với sơn nét đứt (hiện có) trên đoạn trước khi ra khỏi đường Vành đai 3 một đoạn dài phù hợp từ 300 mét -500 mét; Bổ sung, khôi phục vạch mũi tên để báo trước làn đường và hướng đi; Điều chỉnh thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái); đồng thời điều chỉnh vạch sơn khu vực tiếp giáp cho phù hợp.

Đối với khu vực đường lên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội điều chỉnh, thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái).

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, đường Vành đai 3 trên cao đã được Sở GTVT Hà Nội quản lý, bảo trì đảm bảo khai thác hiệu quả, giảm bớt đáng kể ùn tắc và lưu lượng vào trong nội đô. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc ùn tắc tại khu vực đường lên, xuống rất dễ xảy ra do các xe đi không đúng làn đường phù hợp, không nhường đường ra gây xung đột cục bộ làm ùn tắc phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông./.