Thực tế hiện nay, hàng giả hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, từ thành phố, đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hàng giả, hàng nhái tràn về mọi ngõ ngách làng quê nghèo khó, và đặc biệt là “hàng gì cũng có”; “hàng gì cũng có thể bị làm giả, làm nhái”…

Phải làm lành mạnh thị trường, phải ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ… đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập là yêu cầu đặt ra. Loạt bài “Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả, hàng nhái - gian lận thương mại trong thời đại công nghệ 4.0?” của VOV đề cập vấn đề này.

Bài 1: Nạn hàng giả, hàng nhái: 1001 kiểu gian lận

Vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến nay chưa giải quyết nổi, đó là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo, thậm chí mài chữ nổi trên thân vỏ của các hãng khác để chiếm dụng, biến thành bình gas của mình tung ra trên thị trường là cách mà các đối tượng thường làm. Có thể thấy, chỉ riêng với mặt hàng gas thôi cũng rất nhiều kiểu gian lận… vỏ bình, chưa kể chất lượng ga sở bên trong.

hang_gia_hang_nhai_vqwa.jpg
Hàng giả, hàng nhái tràn về mọi ngõ ngách làng quê nghèo khó.

Việc gian lận trong kinh doanh gas đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường này, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội. Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn cháy nổ, gây nỗi đau thể xác và ám ảnh cuộc sống lâu dài của người dân, cộng đồng xã hội, mà nguyên nhân là từ gian lận trong kinh doanh gas.

Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong mỗi gia đình. Vậy vì sao gian lận trong kinh doanh gas lại phức tạp và khó xử lý dứt điểm đến như  vậy?

Ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nêu thực tế: Trên thị trường trong mấy tháng gần đây xuất hiện một hành vi mới hết sức nguy hiểm và có thể là thảm họa cho xã hội. Đó là việc xe bồn đi lấy cắp hàng hoặc mua hàng ở đâu đó rồi thu gom bình, chiết nạp ngay trên xe bồn, rất dễ gây ra cháy nổ nguy hiểm.

“Điều này là hết sức nguy hại. Đề nghị các cơ quan quản lý và bảo vệ pháp luật lưu tâm để xử lý dứt điểm hành vi này. Mà đặc biệt trong hoạt động kinh doanh này trên thị trường là rất đầu gấu rất xã hội đen, rõ ràng người ta vi phạm tài sản mà chúng ta không tịch thu được. Như vậy làm ảnh hưởng rất lớn”, ông Hữu nêu ý kiến.

Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mẹt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

Đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả chủng loại, sản phẩm hàng hóa mang các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng nhìn “y như thật”. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, thức uống, thuốc chữa bệnh... giả, kém chất lượng khiến bệnh tật nhẹ thì không thuyên giảm, hoặc nặng hơn, thậm chí còn đe dọa tính mạng.

Một số ý kiến của người mua thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội chia sẻ: “Nhiề khi sử dụng mới thấy sản phẩm đó không tốt được như quảng cáo và cũng thường có nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến da. Đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ mà chỉ nghe tên trên mạng” .

“Có một lần tôi đặt hàng thuốc giảm cân, sau khi uống xong thì có bị choáng váng mệt mỏi cho nên từ đấy mình không còn đặt nữa”…

Hàng gian, hàng giả không chỉ tràn lan trên thị trường truyền thống mà đang rất nóng, rất phức tạp và khó kiểm soát trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… và cả các “chợ” thương mại điện tử. Trong khi đây là mô hình kinh doanh đem lại nhiều tiện ích, là thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế số, đem lại cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp cho rất nhiều người.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái càng khó kiểm soát hơn, đặc biệt là trên môi trường internet.

Tình trạng buôn bán gian lận trên môi trường mạng đã khiến cho rất nhiều người bán hàng chân chính trên mạng xã hội bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oreál Việt Nam cho biết, trong rất nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bị làm giả, làm nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả thương hiệu nổi tiếng, hoặc gắn mác “xách tay”… thì thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm là rất phổ biến. Bà Trinh bày tỏ lo ngại về việc quảng cáo cho hàng giả xuất hiện khá công khai trên một số trang mạng uy tín đã gây nhầm lẫn và thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

“Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn với nguồn hàng xách tay và hàng nhập. Quan sát các kho hàng gần sân bay thì thấy việc họ nhập hàng mỹ phẩm rất nhộn nhịp. Đặc biệt các chủ hàng mĩ phẩm này không phải trải qua bất kỳ thủ tục nào, bởi vì kinh doanh mỹ phẩm là kinh doanh có điều kiện, tức là khi doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm về thì phải có chứng chỉ thương mại tự do. Đồng thời cũng phải có hồ sơ công bố mỹ phẩm của Bộ Y tế”, bà Trinh cho biết.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp đầu tư nhỏ này đến nhận hàng mỹ phẩm rồi về, mà không phải thông qua bất kỳ thủ tục nào giống như các doanh nghiệp nhập chính hãng phải trải qua.

“Như vậy nguồn hàng nhập thông qua đường hàng không đang trở thành nguồn hàng nhập lậu chính thống, phân phối trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng facebook. Chúng tôi kiến nghị là cần siết chặt và có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn được nguồn hàng xách tay cũng như là nguồn nhập lậu mỹ phẩm”, bà Trinh đề xuất.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Hàng giả hàng nhái không chỉ thực hiện ở trong nước, sản xuất hàng giả còn có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài và sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Tinh vi hơn, hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường dẫn chứng: Chỉ trong một thời gian ngắn kiểm tra tại khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square (Thành phố Hồ Chí Minh) và khu vực chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm- Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn túi xách, quần áo, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Đạt thừa nhận, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và xuất hiện một số xu hướng mới tinh vi hơn chuyên nghiệp hơn. Tình trạng gian lận thương mại cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông qua môi trường mạng, internet cũng ngày càng phổ biến.

“Có những trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại đặt ở những trang web nước ngoài. Những cơ sở giới thiệu sản phẩm một nơi, xuất bán hàng lại ở một nơi khác. Những đối tượng kinh doanh và sản xuất hàng giả thì làm ngay tại các nhà ở trong khu dân cư, để lẩn tránh, dễ dàng tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện và chống đối các lực lượng kiểm tra”, ông Đạt cho hay.

Mặc dù các lực lượng chức năng khẳng định liên tục kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ thị trường, và thực tế đã có hàng trăm nghìn vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý. Song, vì sao tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn ra, và hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, mập mờ xuất xứ… vẫn đang ngày càng trở nên phức tạp và nan giải hơn?./.