Theo Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), thời gian qua có nhiều ý kiến e ngại, chưa muốn hoặc chậm thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ và giống trong nông nghiệp với Myanmar, vì lo lắng Myanmar trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thị trường gạo.

xuatkhaugao.jpg
Việt Nam và Myanmar cần biến đối thủ cạnh tranh tiềm năng thành đối tác chiến lược về gạo trên cơ sở hai bên cùng có lợi (Ảnh minh họa/KT)

Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương cho rằng, “đây chưa phải là cách nhìn dài hạn. Bởi vì cách nghĩ đó đã tự đặt Việt Nam vào vị thế cạnh tranh với Myanmar mà không phải là hợp tác cùng thắng để phát triển cùng với sự lớn mạnh của Myanmar”.

Thực tế, Myanmar là một nước lớn về nông nghiệp với nhiều điều kiện ưu đãi hơn nước ta (về diện tích canh tác, về khí hậu thổ nhưỡng, về lao động, ...) nên về lâu dài, Myanmar có đủ tiềm năng để vượt trội hơn Việt Nam về nông nghiệp.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, “Việt Nam cần xác định rõ chiến lược dài hạn và kế hoạch triển khai cụ thể về hợp tác nông nghiệp nói chung và hợp tác gạo nói riêng giữa Việt Nam và Myanmar để biến đối thủ cạnh tranh tiềm năng thành đối tác chiến lược trên cơ sở hai bên cùng có lợi”.

Giải thích về những nhận định và đề xuất trên, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương cho biết: Tiến trình dân chủ và hòa giải dân tộc ở Myanmar năm vừa qua đạt được những thành tựu quan trọng. Việc cải cách mở cửa của Myanmar được dư luận quốc tế đánh giá cao khi nhiều nước đã chủ trương tăng cường quan hệ với Myanmar.

Cùng với các cải cách chính trị, Myanmar đang đẩy mạnh cải cách, mở cửa kinh tế trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý là việc mở cửa hệ thống kinh tế theo cơ chế thị trường. Năm 2012, Myanmar đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Xuất nhập khẩu mới. Hiện nay, Myanmar vẫn coi nông nghiệp là nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. Chính phủ Myanmar đã ban hành nhiều chính sách để phát triển lĩnh vực nông nghiệp trong đó đáng lưu ý là mặt hàng gạo.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với tiến trình cải cách tiếp tục diễn ra thuận lợi, Myanmar có nhiều khả năng trở thành một nước lớn về sản xuất và xuất khẩu gạo trong tương lai gần.

Gần đây, Myanmar đã dần lấy lại được vị thế xuất khẩu gạo của mình, tuy số lượng gạo xuất khẩu còn khiêm tốn. Năm 2009, Myanmar xuất khẩu xấp xỉ 1,1 triệu tấn gạo – mức cao nhất kể từ năm 1966 của nước này. Năm 2010, xuất khẩu gạo của Myanmar giảm xuống còn 445,000 tấn do Chính phủ hạn chế cấp phép xuất khẩu gạo vì lo ngại giá gạo ở thị trường trong nước tăng cao. Các năm 2011, 2012 xuất khẩu gạo của Myanmar đã tăng trở lại, đạt trên 700 000 tấn./.