Ngân hàng Thế giới vừa công bố Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018, trong đó Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Lý giải cho sự thăng hạng môi trường kinh doanh, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp cải cách kinh tế hợp lý trong năm qua. Kết quả là 8/10 chỉ số tăng mạnh, trong đó, 5 chỉ số có tác động tích cực nhất đến môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam gồm: Chỉ số vay vốn, nộp thuế, tiếp cận điện năng, giao thương quốc tế, và thực thi hợp đồng.
Vẫn còn không ít thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhờ đó, chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190. Đáng chú ý là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190.
Ông Trương Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Trí Nam, ở Hà Nội cho rằng, mấu chốt để xử lý các quy trình khi đã ứng dụng công nghệ thông tin sẽ minh bạch hóa.
“Trước đây, quy trình thủ tục lòng vòng, doanh nghiệp không biết tiếp cận ai, thực hiện thế nào nhưng nay đã minh bạch hóa qua kê khai điện tử tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan quản lý đã giảm bớt thủ tục, giảm tiếp xúc với những đầu mối giải quyết, từ đó giảm tiêu cực, giảm thời gian, chi phí lót tay…tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông Tùng nhận xét.
Mặc dù vậy, vẫn còn không ít thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn như cấp giấy phép xây dựng, đầu tư, thực tế các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện hàng chục bước. Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần trong 1 năm, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phải tiếp đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra gây mất thời gian và chi phí.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cho biết, về thủ tục hành chính, nếu xin phép đầu tư mất gần 40 bước nên cần cố gắng giảm các thủ tục, giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn.
“Thủ tướng đã có Chỉ thị 20 yêu cầu không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm, nhưng thực tế vẫn diễn ra ở cấp cơ sở. Hiện nay đã có các dịch vụ trực tuyến nhưng vẫn ở cấp độ 3, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nâng lên cấp độ 4 để giảm thiểu các tiêu cực như chi phí không chính thức”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hiện còn 4/10 chỉ số môi trường kinh doanh giảm bậc, trong đó, khởi sự kinh doanh giảm 2 bậc, đăng ký sở hữu tài sản giảm 4 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 4 bậc. Sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện, mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ sổ này.
Hiện, Việt Nam đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm Singapore (thứ 2); Malaysia (thứ 24); Thái Lan (thứ 26); Brunei (thứ 56) và đứng trên Indonesia (thứ 72), Philippines (thứ 113). Đáng chú ý là trong năm nay, cùng với Việt Nam, 3 nước gồm Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc và thậm chí nhanh hơn Việt Nam.
“Chỉ số khởi sự kinh doanh ở Việt Nam còn thấp cho thấy môi trường kinh doanh mặc dù có cải thiện nhiều nhưng còn những chỉ số nằm cuối bảng. Những chỉ số có tác động lớn đến doanh nghiệp như giao dịch biên giới mặc dù có cải thiện, nhưng chưa cải thiện thứ hạng trong khi các nước có cải thiện mạnh mẽ hơn. Trong khi nhiều nước xung quanh đang có những cải thiện mạnh mẽ để thu hút đầu tư, nên đây cũng là điểm mà Việt Nam cần khắc phục hơn nữa trong thời gian tới”, bà Thảo lưu ý.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, cả nước có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập, 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và nộp thuế, cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đang cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư.
Bởi vậy những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí…để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia nói chung./.
Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam bật tăng 14 bậc