Cuối tuần rồi, Chính phủ đã công bố gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỉ đồng, gồm các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỉ đồng (giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỉ đồng); miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài sẽ ở mức khoảng 4.100 tỉ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỉ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ khoảng 3.000-3.200 tỉ đồng và các giải pháp về chi tiêu công trị giá khoảng 2.670 tỉ đồng.

Nhận định về gói hỗ trợ này, các chuyên gia kinh tế còn nhiều ý kiến khác nhau.

TS. Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:Gói hỗ trợ này làm tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%

Tổng số tiền thực chất của gói hỗ trợ lần này là vào khoảng 9.489,5 tỉ đồng do các khoản khác như phí bảo trì đường bộ là những khoản Nhà nước dự kiến thu nhưng nay hoãn thu thì không được tính vào khoản hỗ trợ. Theo ước tính, trong thời kỳ nền kinh tế phát triển nhanh, xu hướng tiêu dùng cận biên (mức tiêu dùng tăng thêm/mức thu nhập tăng thêm) của Việt Nam ước khoảng 4,15. Trong thời kỳ khủng hoảng chỉ số này thường giảm xuống thấp hơn. Thêm vào đó người dân không được hưởng tổng số tiền miễn, giảm, hỗ trợ trong toàn bộ thời gian một năm mà chỉ vào khoảng nửa năm.

Do đó, ước tính gói hỗ trợ này làm tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%. Chính vì điều đó, gói giải pháp này không thể là gói kích cầu mà nó chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tức là chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng giảm theo. Tổng thu nội địa quí 1-2012 giảm 3,1%, thu hải quan giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó dư địa của chính sách tài khóa trong việc kích cầu là không nhiều.

Mục tiêu ưu tiên của chúng ta trong thời kỳ này là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng vai trò của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực. Những chính sách kích cầu bằng chính sách tài khóa buộc phải chấp nhận thâm thủng ngân sách cao; chính sách kích cầu bằng chính sách tiền tệ sẽ làm mô hình tăng trưởng theo chiều rộng tiếp tục tồn tại, và có nguy cơ gây mất lòng tin của thị trường vào các cam kết của Chính phủ.

Thực hiện kích cầu bằng chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay có nguy cơ làm gia tăng bất ổn vĩ mô và củng cố mô hình tăng trưởng kém hiệu quả. Do đó việc Bộ Tài chính đưa ra gói hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hộ gia đình, người lao động trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như vừa qua là vừa phải, khả thi và nhất quán với mục tiêu chung. Tuy nhiên gói hỗ trợ nên có cấu phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của các đối tượng trên thông qua hỗ trợ các kỹ năng tổ chức hoạt động kế toán, lập dự án, và đánh giá rủi ro. Điều này giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được tín dụng khi lãi suất giảm xuống mức hợp lý.

TS. Lê Hồng Giang: Chưa quá bi quan

Việc Chính phủ đột ngột bẻ lái các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ đề ra sau Nghị quyết 11 (năm 2011) rất có thể là phản ứng khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,1% trong quí I/2012 và nhất là thông tin hơn 17.000 doanh nghiệp phá sản trong bốn tháng đầu năm nay. Trong khi các chỉ số kinh tế vĩ mô chậm lại đáng kể là điều có thể dự báo, các nhà hoạch định chính sách dường như quá lo ngại về số lượng doanh nghiệp phá sản và hàng loạt bài báo mô tả tình trạng khó khăn mà giới doanh nghiệp đang phải đối mặt. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Chính phủ đã có bức tranh đầy đủ về tình hình doanh nghiệp”. Bức tranh này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khảo sát trong thời gian qua.

Trong khi đó có một bức tranh khác, cũng liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp và rất được các nhà hoạch định chính sách và giới tài chính quốc tế tín nhiệm, đó là chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) - chỉ số khảo sát các nhà quản trị mua sắm cho doanh nghiệp. Đến nay chỉ số PMI đã gần như được chuẩn hóa trên toàn thế giới và được Công ty Markit của Anh phối hợp với một số ngân hàng lớn như HSBC, JP Morgan Chase xây dựng cho nhiều quốc gia. Ngày 8/5 vừa qua, HSBC đã công bố chỉ số này cho Việt Nam và bức tranh doanh nghiệp theo kết quả cuộc khảo sát này có nhiều điểm rất đáng quan tâm.

Chỉ số PMI do HSBC-Markit khảo sát trong tháng 4/2012 cho thấy tình hình không quá bi quan như những thông tin xuất hiện trên mặt báo. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng đó cũng là sự sàng lọc, hay sự “phá hủy sáng tạo”, cần thiết để nền kinh tế bước sang trang mới.

Về tổng thể, chỉ số PMI giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy giới doanh nghiệp nhìn chung đã thu hẹp sản xuất, phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tuy nhiên mức sụt giảm này nhỏ hơn nhiều so với giai đoạn từ tháng 12/2011 đến tháng 2/2012. Nhìn kỹ hơn vào từng cấu thành của PMI có thể thấy nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là các doanh nghiệp đang tìm cách cắt giảm hàng tồn kho trong tháng 4/2012.

Nhưng trên thực tế lượng cầu đã có dấu hiệu phục hồi khi một cấu thành khác trong PMI là đơn đặt hàng mới vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 4/2012. Đặc biệt số lượng đơn hàng xuất khẩu đã tăng mạnh liên tục trong ba tháng qua là một dấu hiệu rất khả quan cho cả nền kinh tế lẫn cán cân thương mại. Thêm vào đó, cấu thành lao động, tiếp tục cao hơn mức 50 điểm cho thấy doanh nghiệp không những không sa thải nhân công mà một số đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng.

Số liệu giá đầu vào và giá thành phẩm đều tăng, tuy nhiên giá đầu ra tăng chậm hơn có lẽ vì sức ép hàng tồn kho buộc doanh nghiệp phải giảm tỷ lệ lợi nhuận. Nếu các đơn hàng mới tiếp tục tăng nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ tăng giá đầu ra để khôi phục lợi nhuận và tích lũy lại lượng tồn kho tối ưu.

Như vậy, qua chỉ số PMI do HSBC-Markit khảo sát trong tháng 4/2012, có thể thấy tình hình không quá bi quan như những thông tin xuất hiện trên mặt báo. Nền kinh tế đang chậm lại nhưng đó là hệ quả tự nhiên của những chính sách ổn định vĩ mô mà Việt Nam tiến hành trong năm 2011. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng đó cũng là sự sàng lọc, hay sự “phá hủy sáng tạo”, cần thiết để nền kinh tế bước sang trang mới. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô và tái cấu trúc kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Có thể cho vay trên hàng tồn kho

Gói giải pháp hỗ trợ này hướng đến gỡ khó cho các doanh nghiệp còn đang hoạt động tương đối tốt (vì như vậy mới có thuế để đóng và mới được hưởng chính sách giảm thuế, giãn thuế). Nhưng với các doanh nghiệp đang bị đình đốn sản xuất, hàng tồn kho rất cao - tình trạng chung hiện nay - thì gói hỗ trợ chưa đưa ra được giải pháp gì để cứu họ.

Về giải pháp giãn thuế giá trị gia tăng, theo tôi nó không làm giảm giá hàng hóa, không kích thích được tiêu thụ.

Tôi cho rằng hàng tồn kho là tài sản, vì vậy ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay 50-70% trên lượng hàng tồn kho đó để lấy “tiền tươi” sản xuất. Coi như doanh nghiệp cầm cố ngân hàng hàng hóa tồn kho đó.

Hiện nay, tuy Ngân hàng Nhà nước đã khống chế trần lãi suất cho vay 15% (dù chỉ trong bốn lĩnh vực ưu tiên), nhưng như vậy vẫn còn quá cao. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt khi lãi suất dưới 10%, trên 10% họ chỉ hoạt động cầm chừng thôi.

Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt khi lãi suất dưới 10%, trên 10% họ chỉ hoạt động cầm chừng thôi. Tôi cho rằng hàng tồn kho là tài sản, vì vậy ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay 50-70% trên lượng hàng tồn kho đó để lấy “tiền tươi” sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên có chương trình đặc biệt cho ngân hàng thương mại vay tiền để họ cho doanh nghiệp vay lại nhằm giải quyết tồn kho.

TS. Trần Hoàng Ngân, UVUB Kinh tế của Quốc hội: Chính phủ cần đưa ra thông điệp điều hành ổn định

Vì vậy, cái doanh nghiệp cần hiện nay là Chính phủ cần đưa ra thông điệp điều hành ổn định. Cụ thể như phải có con số lạm phát mục tiêu 2011-2015, từ đó đưa ra dự báo mức lãi suất hợp lý. Ví dụ như đến năm 2015, lạm phát mục tiêu vào khoảng 5-7%, lãi suất huy động từ 6-8%, lãi suất cho vay 10-12% như trước năm 2007. Chính phủ cam kết giữ lãi suất đó, nếu cao hơn thì Chính phủ phải bù lãi suất, có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư. Như hiện nay, doanh nghiệp không dám vay, vì không biết được cuối năm nay, rồi năm sau diễn biến lãi suất sẽ như thế nào.

Tình trạng một số doanh nghiệp rơi vào khó khăn như hiện nay đã được lường trước khi Chính phủ đưa ra Nghị quyết 11. Đến nay Nghị quyết 11 đã hoàn toàn đạt được, đó là kiềm chế được lạm phát, cán cân thương mại thặng dư, tỷ giá ổn định, bội chi ngân sách chỉ còn 4,9%, trong khi kế hoạch năm 2011 là 5,3%. Vì vậy, những bất ổn khác là tác dụng phụ và tình hình hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát nên cần cẩn trọng giải quyết, không nên vội vã để tránh những hệ quả về sau.

Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay một phần là do chính sách vĩ mô năm năm qua biến động khó lường.

Tổng cầu đang giảm, nên việc kích thích sức mua là cần thiết. Vì vậy nên giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm thêm lãi suất huy động để người dân bớt gửi tiết kiệm mà chi tiêu nhiều hơn.

Việc đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được một phía, phía còn lại là người dân. Tổng cầu đang giảm, nên việc kích thích sức mua là cần thiết. Vì vậy nên giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm thêm lãi suất huy động để người dân bớt gửi tiết kiệm mà chi tiêu nhiều hơn. Bên cạnh đó, không thu thêm các khoản phí trong năm nay để người dân bớt khó. Nếu được nên có thêm gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp, lao động thất nghiệp để tăng lòng tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ.

Tiền hỗ trợ thực chất là bao nhiêu?

Cuối tuần rồi, Chính phủ đã công bố gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Người hưởng lợi chính ở đây là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Những doanh nghiệp dạng này sẽ được quyền giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh trong ba tháng 4, 5, và 6 của năm 2012 trong thời hạn sáu tháng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, khoản thuế được giãn vào khoảng 12.300 tỉ đồng. Điều này tương đương với việc Nhà nước cho các doanh nghiệp này vay số tiền trên trong thời hạn sáu tháng mà không lấy lãi. Nếu doanh nghiệp phải vay ngân hàng số tiền trên với lãi suất 18% năm thì số lãi phải trả ước tính là 1.107 tỉ đồng.

Ngoài ra các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng được giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011 trong thời hạn chín tháng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, con số này vào khoảng 3.500 tỉ đồng. Tương tự như trên thì số tiền thực tế mà doanh nghiệp được hỗ trợ trong việc giãn thuế này là 472,5 tỉ đồng.

Trong năm 2012 những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hộ đánh bắt hải sản, hộ sản xuất muối được miễn thuế môn bài. Các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn được miễn thuế khoán, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012. Tổng số tiền được miễn giảm ước tính khoảng 4.100 tỉ đồng.

Số tiền miễn giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp theo cơ chế quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ có bổ sung thêm các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, ước tính vào khoảng 1.500 tỉ đồng. Ngoài ra Bộ Tài chính cũng dự tính thực hiện các biện pháp tăng chi tiêu nhà nước lên thêm 2.670 tỉ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thực chất của gói hỗ trợ lần này là vào khoảng 9.489,5 tỉ đồng. Các khoản khác như phí bảo trì đường bộ là những khoản Nhà nước dự kiến thu nhưng nay hoãn thu thì không được tính vào khoản hỗ trợ.

Ý kiến doanh nghiệp: Dễ thở hơn nhưng vẫn chưa sống được

Ông Bùi Đình Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cân Nhơn Hòa:Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn như thế nào? Cơ quan quản lý cần phải cụ thể hóa về mức lãi suất, đối tượng được vay. Với các biện pháp giảm, giãn thuế, tôi nghĩ sẽ ít nhiều có tác dụng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn trong thời điểm khó khăn này.

Nhưng đối tượng doanh nghiệp nào nên được hỗ trợ lúc này? Những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản hay những doanh nghiệp mới bung ra? Theo tôi, đối tượng cần được giúp đỡ là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn kia bởi họ đã làm ăn kinh doanh nhiều năm, cũng đã đóng góp vào nền kinh tế. Còn với những doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh, những người dám “xuất đầu lộ diện” trong bối cảnh như thế này, nghĩa là họ có đủ lực thì nên xếp sau trong thứ tự ưu tiên.

Ông Nguyễn Bảo Châu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Điện máy R.E.E:Các giải pháp hỗ trợ về giãn, giảm thuế, lãi suất là chưađủ. Điều quan trọng không kém hiện nay đối với doanh nghiệp là làm sao bán được hàng để duy trì sản xuất. Do vậy, Nhà nước nên có biện pháp để giúp tăng sức mua trong dân. Trong đó, nên tập trung vào những đối tượng có thu nhập từ trung bình trở xuống bởi họ bị tác động nhiều nhất từ sựkhó khăn của nền kinh tế và cũng là lực lượng tạo ra sức mua nhiều nhất (nhờ số lượng lớn) khi thu nhập được cải thiện.

Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân:Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp chắc chắn sẽ có tác dụng nhưng mức độ đến đâu thì chưa thể đo lường được.

Số tiền 29.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp lần này cũng không phải là con số lớn nên phải khoanh vùng để hỗ trợ đúng đối tượng. Theo tôi, các cơ quan quản lý nên làm việc với các hiệp hội bởi đây là những người hiểu rõ nhất tình hình của doanh nghiệp, hơn cả ngành thuế, để tìm ra những công ty đang khó khăn thực sự, cần sự giúp đỡ. Nhà nước cần phân biệt và có sự hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó do các điều kiện khách quan chứ không phải những đơn vị làm ăn kinh doanh không có kế hoạch, sai nguyên tắc, chẳng hạn như vay tiền ngân hàng đầu tư dài hạn hoặc đầu tư ngoài ngành...

Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp kích cầu tiêu dùng. Trong đó cần chú ý đến việc hỗ trợ người nông dân, đối tượng tiêu dùng lớn của các công ty sản xuất, ví dụ như lo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng giá bán nông sản..../.