Nước lắng đầy cặn trắng, nổi đầy váng màu vàng, uống vào bị khé cổ... đang là thực trạng nước sạch tại khu vực ngõ 405, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.

 Hoang mang vì chất lượng nước "sạch"

Những ngày này, tại khu vực làng Bắc Cầu cũ, nay thuộc ngõ 405, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, người dân đang hết sức hoang mang vì lo ngại chất lượng nước sạch. Điều đáng nói là, tình trạng này diễn ra đã lâu, người dân cũng đã trực tiếp gọi điện phản ánh đến Cty TNHH MTV nước sạch số 2 Hà Nội nhiều lần, nhưng cho đến nay, sự việc này vẫn chưa được khắc phục.

nuoc_1_nmrm.jpgNước đóng két lại
Theo quan sát của chúng tôi tại tổ 34, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, nước sau khi được người dân lấy trực tiếp từ vòi nước sạch đun lên, đổ ra cốc thủy tinh, vẩn lên rất nhiều cặn trắng, để chừng 5 phút, dưới đáy cốc, cặn trắng lắng một lớp dày. Tại một bể nước ngầm dự trữ của nhà dân ở tổ 34, dù trong bể được lát 1 lớp gạch men màu trắng, tuy nhiên trên mặt bể nước nổi váng màu vàng, thành bể két lại màu nâu vàng, lấy bàn trải cọ không hết. Dùng tay vớt nước trên bề mặt, váng màu vàng, màu nâu bám đầy tay...

Theo chị Nguyễn Thị Ánh ở tổ 35, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, nhà tôi bán quán nước chè, nếu đun nước trực tiếp từ vòi nước sạch này nó váng lên, mắt thường còn nhìn thấy, uống vào khé, cặn trong cổ họng. Nhìn vào cốc nước rất mất cảm tình, chẳng ai dám uống. Khi đun nước trực tiếp từ vòi nước, cái ấm đun cũng trắng xóa lên một lớp dày. Nhà có trẻ em càng không dám cho dùng.

Nhiều người dân than thở, nhà máy lọc nước mới xây ở đầu làng, nhà nước đầu tư hoàn toàn mà không hiểu tại sao tình trạng lọc nước lại như thế này? Chị Nguyễn Khánh Ly ở tổ 34 cũng cho biết: "Nhà tôi có con nhỏ phải chở nước từ nhà bà ngoại về để cả nhà ăn, nước máy ở đây chỉ để tắm, giặt và rửa rau cỏ, không ai dám ăn".

Vòi nước bị đổi màu 
Anh Hoàng Văn Quảng, tổ 34 than thở: "Nước máy ở đây quá nhiều vôi. Tôi để ý, cứ đun 1,8 lít nước phải mất 1 nắp can loại bình 5 lít là cặn trắng, cặn vôi. Nhà tôi chấp nhận mua bình lọc nước, hàng tháng phải thay liên tục. Những nhà không có điều kiện mua bình lọc nước đành phải dùng nước trực tiếp, mà như thế rất nguy hiểm cho sức khỏe của người dân".

 Mất tiền mua nước sạch, lại mất thêm cả tiền để lọc nước

Anh Lê Hồng Hưởng, tổ 33 chia sẻ: "Nước sạch sao bẩn thế, toàn vôi, hỏng hết cả thiết bị nước. Vòi hoa sen cặn vôi đóng két lại không thể phun nước ra được, vòi nước cũng vậy, các thiết bị về nước nhà tôi cứ phải thay liên tục. Hôm nay, tôi vừa thay vòi nước vì nó đóng cặn vôi, bị tắc vòi. Các bồn nhà vệ sinh đóng két vào... tôi vừa phải thanh toán hết 300.000 đồng".

"Bình lọc nước nhà tôi, mới mua màu trắng, chỉ hơn 1 tuần mà nó đã đen như thế này. Nếu theo đúng như quy định, quả lọc cứ đen là phải đổi, 1 tháng nhà tôi phải đổi 4 quả lọc. Mặc dù rất tốn tiền nhưng tôi vẫn phải đổi", anh Hưởng cho biết.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Ánh, tổ 35, có bình lọc nước dù chuyển màu đen nhưng vẫn lọc được nước, riêng bình lọc Kangkuru, nếu quả lọc bẩn mà không thay thì nước không chảy ra được và mỗi lần thay như thế mất hơn 500.000 đồng. Tình trạng này diễn ra kể từ khi có trạm nước máy ở đầu làng. Trước đây chúng tôi ăn nước giếng khoan không sao, bể luôn sạch, bơm từ sáng đến tối nước vẫn trong veo. Nhưng giờ dù mất tiền mua nước sạch mà người dân ở đây cũng không dám dùng.

Nước nổi đầy váng màu vàng trên tay
"Những hôm mất điện, mất nước, máy lọc ngừng hoạt động, người dân lại phải mua bình nước tinh khiết về dùng. Cứ bảo có nước sạch là sướng, nhưng chúng tôi thấy chả sướng hơn tý nào, thứ nhất là phải mua nước sạch về dùng, thứ 2 là phải mất tiền để mua bình lọc. Thậm chí hàng tháng chúng tôi còn mất bao nhiêu tiền để thay quả lọc.... Đã thế, hàng ngày bình lọc nước phải cắm điện, rất tốn điện. Càng dùng nhiều quả lọc lại càng nhanh phải thay..."

Được biết, từ ngày 1/10, giá nước sạch bắt đầu tăng từ 4.172 đồng/m3 lên 5.020 đồng/m3(đối với 10 m3 đầu tiên); tăng từ 4.930 đồng/m3 lên 5.930 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng trên 30m3). Những gia đình sử dụng từ 30m3 trở lên, tăng từ mức 10.619 đồng/m3 lên thành 13.377 đồng/m3.

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng nước hiện nay vẫn chưa tương xứng với mức giá mà dân phải trả hàng tháng. Chất lượng nước chưa đạt, nguồn nước vẫn chưa ổn định, lúc có, lúc mất... Tăng giá nước phải đi đôi với tăng chất lượng. Với việc nhiều nơi chất lượng nước vẫn còn bị người dân phàn nàn, lấy gì để đảm bảo, tiền nước tăng thì chất lượng nước và hiệu quả phục vụ sẽ được cải thiện?./.