Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc bởi nhiều “cú sốc” khó lường, trong đó có cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc, biến động của thị trường dầu mỏ, vụ cháy rừng Amazon, sự lao đao của các startup công nghệ lớn …

kinh_te_the_gioi_vsbj.jpg
Kinh tế thế giới giảm tốc năm 2019. (Ảnh minh họa: KT)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu 2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook), IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 về 3%, từ mức 3,2% đưa ra vào khoảng giữa năm 2019. Nguyên nhân cho sự cắt giảm triển vọng này chính là xung đột thương mại.

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế thế giới đã suy yếu trong năm qua. Mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019, do xu hướng bất ngờ tăng giá ở một số nền kinh tế tiên tiến và hoạt động mạnh mẽ trong khu vực ASEAN, song sự phục hồi khiêm tốn này chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Việc tái diễn căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm niềm tin kinh doanh vốn mong manh, làm tổn hại đến triển vọng đầu tư, sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các khu vực Trung Đông và châu Á, sự bất ổn chính sách gia tăng ở châu Âu và Mỹ, cùng tình hình tài chính ở Argentina đã làm tăng thêm sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, tăng trưởng toàn cầu cũng bị kéo xuống bởi đà suy giảm liên tục ở một số nền kinh tế tiên tiến như Trung Quốc và các thị trường mới nổi.

Trung Quốc đang chấp nhận giảm tốc nhằm củng cố hệ thống tài chính và kiềm chế tín dụng. Cùng với khó khăn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực giảm phát, nhập khẩu đi xuống… Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ phải tung thêm nhiều biện pháp kích thích để chặn lại đà giảm tốc. Hiện tại, giới chức Trung Quốc tập trung kích thích hạn chế, có mục tiêu, như hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất, do lo ngại khối nợ bùng lên.

Năm 2019 thị trường dầu mỏ chứng kiến nhiều biến động lớn. Đặc biệt, vào giữa tháng 9, dầu thô đã có bước nhảy vọt chưa từng thấy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các mỏ dầu trọng yếu của Saudi Arabia. Nhưng chỉ sau một vài tuần, dầu trở lại mức trước đó và xuất hiện mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng thừa cung.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ là sự phát triển của dầu đá phiến ở Mỹ. Trong mười năm qua, đá phiến đã biến Mỹ này trở thành một trong những cái tên mạnh nhất trên thị trường. Tuy nhiên, dự kiến trong ngắn hạn, giá dầu sẽ giảm và sẽ không thể vượt quá phạm vi 55 - 67 USD/thùng.

Năm vừa qua chứng kiến việc các start-up, kỳ lân công nghệ đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi chính thức hoặc chuẩn bị chào sàn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến trường hợp của WeWork và Uber. Hàng loạt cái tên công nghệ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Pinterest, Slack Technologies và SmileDirectClub. Điều này đã dẫn đến việc các nhà đầu tư cẩn trọng hơn với start up công nghệ, kéo theo dòng vốn đổ vào lĩnh vực này đã chậm lại trong năm 2019. 

Trong khi đó, nhiều tập đoàn công nghệ bị phạt nặng. Tập đoàn Facebook hồi tháng 7/2019 đã đồng ý nộp khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc của Mỹ liên quan đến sự cố rò rỉ dữ liệu của người dùng. Đây là minh chứng rõ nét cho làn sóng siết chặt quản lý và điều tra đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon và Apple trong các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống độc quyền.

Hồi tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã phạt Google 1,69 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh khi chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối tác. Liên minh châu Âu cũng điều tra Amazon vì hành vi chống cạnh tranh liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ các nhà bán lẻ độc lập trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon.

Năm 2019 cũng chứng kiến hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra trên khắp các châu lục, từ Nam Mỹ, nước Mỹ tới châu Âu, châu Á, châu Đại dương, trong đó phải kể đến thảm họa đối với “lá phổi xanh của hành tinh” Amazon. Thảm họa cháy rừng Amazon bùng lên hồi tháng 8/2019 với nguyên nhân được cho là do hoạt động chặt phá rừng để phát triển chăn nuôi hoặc trồng trọt. Các vụ cháy rừng Amazon không chỉ tàn phá môi trường, phá hủy đa dạng sinh thái, mà còn làm thiệt hại hơn 8,2 tỷ USD./.