Theo giới quan sát thị trường, các nhà đầu tư đổ xô bán ra đồng đôla và mua vào đồng yên do lo ngại đợt bùng phát SARS-CoV-2 có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Tokyo chốt phiên ở dưới mức 20.000 điểm. Chỉ số Nikkei trung bình của 225 cổ phiếu tiêu biểu chốt phiên ở 19.698 điểm, giảm 1.050 điểm so với phiên trước. Kể từ tháng 1/2019, đây là lần đầu tiên chỉ số này chốt phiên ở dưới mức 20.000 điểm. Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất trong 1 ngày kể từ tháng 12/2018.

kinh_te_nhat_ban_jcqf.jpg
Kinh tế khó khăn, Nhật Bản điều chỉnh giảm GDP. (Ảnh minh họa: Daily Sabah)

Tỷ giá đồng yên so với đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua, khiến nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Nhật Bản dự kiến vẫn sẽ tổ chức các cuộc họp cổ đông trong tháng 3 dù có lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, các công ty sẽ có thêm biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sự an toàn của những người tham gia.

Chính phủ cho biết các công ty có thể hoãn họp cổ đông, miễn là vẫn tổ chức trong thời hạn hợp lý.

Tuy vậy, các nhà điều hành nói rằng khó dự đoán tình hình bùng phát sắp tới. Họ cũng lo ngại rằng việc thay đổi kế hoạch ảnh hưởng tới quyền nhận cổ tức của các cổ đông. Vì lẽ đó, một số công ty vẫn tổ chức họp, nhưng có thêm biện pháp phòng ngừa. Công ty thực phẩm Kagome sẽ kiểm tra thân nhiệt của những người tham gia, và những ai có thân nhiệt từ 37,5 độ C trở lên sẽ không được vào họp.

Skylark, hãng điều hành lớn các chuỗi nhà hàng, dự kiến phát trực tuyến cuộc họp. Công ty yêu cầu những người cao tuổi và những người có bệnh nền bỏ phiếu qua mạng internet. Còn công ty mỹ phẩm Shiseido sẽ xếp ghế xa nhau hơn thường lệ, và cũng sẽ không tổ chức trưng bày các sản phẩm.

Trước những khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cam kết rằng chính phủ sẽ thực hiện một số chính sách kinh tế và ngân sách để vực dậy nền kinh tế.

Ông cho biết trong số các chính sách có việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp kích thích kinh tế toàn diện trị giá 26 nghìn tỷ yên, tương đương 250 tỷ USD.

Ông Abe khẳng định như trên trước cuộc họp của Ủy ban ngân sách Thượng viện diễn ra vào ngày 10/3, sau khi số liệu về Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý từ tháng 10-12/2019 được điều chỉnh giảm xuống còn âm 7,1% tính theo năm trên thực tế. Con số sơ bộ công bố hồi tháng 2 là -6,3%.

Thay đổi này là do Văn phòng Nội các điều chỉnh giảm tính toán về đầu tư vốn trong quý vừa rồi. Và GDP giảm so với quý trước đó là do việc tăng thuế tiêu dùng trong tháng 10 cùng tác động của các đợt bão và mùa Đông ấm.

Thủ tướng cho biết thêm rằng lượng du khách nước ngoài giảm do dịch bệnh bùng phát, đồng thời ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng các nhà công ty chế tạo có thể duy trì sản xuất hay không. Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách kinh tế và tài khóa nhằm đối phó với đợt dịch này, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của kinh tế toàn cầu.

Quý IV/2019 trùng với thời điểm tăng thuế tiêu dùng. Theo điều chỉnh này, GDP xuống gần với mức -7,4% là mức sau đợt tăng thuế lần trước vào năm 2014. Đầu tư vốn giảm từ -3,7% xuống -4,6% là yếu tố chính đằng sau việc điều chỉnh lần này. Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn 1 nửa GDP, ở mức -2,8% do thuế tiêu dùng tăng tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng./.