Chỉ trong vài ngày từ khi phát hiện ra bệnh nhân thứ 17 bị mắc bệnh Covid-19 tại Hà Nội, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hệ thống cửa hiệu… đã phải thông báo hạn chế thời gian bán hàng, thậm chí tạm thời đóng cửa bán hàng trực tiếp để chuyển sang phương thức bán hàng trực tuyến (online).

vov_ban_hang_online_1_fewb.jpg
Hàng loạt các cửa hàng trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội phải đóng cửa vì lượng khách đến trực tiếp quá ít.

Chị Đỗ Ngọc Lan, chủ shop House's Bup đã phải đăng thông báo trên trang fanpage về việc hạn chế thời gian bán hàng trực tiếp: “Dịch bệnh phức tạp, nhân viên nghỉ về quê, Búp xin phép mở cửa hàng ngày từ 9h đến 17h30 các ngày trong tuần”.

Thậm chí, thương hiệu thế giới thời trang K’s Closet còn phải thông báo đóng cửa tạm thời hàng loạt cửa hàng thuộc hệ thống.

Trường hợp như shop của chị Lan hay K’s Closet không phải cá biệt, ngay trên các tuyến phố như Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn, Chùa Bộc, Thái Hà... được coi như những trung tâm mua sắm của Hà Nội, hàng loạt cửa hàng cũng đang tạm đóng cửa, không bán hàng. Nhiều shop chuyên kinh doanh hàng mỹ phẩm, thời trang và cả nhà hàng phục vụ ăn uống cũng đẩy mạnh việc bán hàng online thay vì bán hàng trực tiếp.

Chị Nguyễn Phương Trang, chủ một cửa hàng thực phẩm trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho những người buôn bán nhỏ như chị. Lượng khách đến mua hàng giảm 70-80%. Trong khi những chi phí cố định như tiền thuê nhà, người trông cửa hàng, chi phí điện, nước... vẫn giữ nguyên.

“Dịch bệnh thì không biết đến bao giờ mới hết. Nếu cứ chờ dịch thì buôn bán nhỏ như chúng tôi phải dẹp tiệm sớm. Vì thế chúng tôi phải đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội và các website bán hàng trực tuyến”, chị Trang nói.

Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh bán hàng online trong mùa dịch Covid-19.

Cùng với việc tăng cường quảng cáo, chị Trang cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như miễn phí ship trong bán kính 2km, tặng voucher khi mua hàng… để kích cầu. Nhờ vậy, doanh thu vẫn đủ để trang trải các chi phí.

Còn tại một cửa hàng thời trang trên phố Lương Định Của, quận Đống Đa, nhân viên thường xuyên livestream giới thiệu sản phẩm vào các khung giờ “vàng” trong ngày để thu hút khách hàng.

Chị Đặng Mỹ Uyên, chủ cửa hàng cho hay: “Hình thức livestream giới thiệu sản phẩm, cửa hàng chị đã thực hiện từ lâu. Nhưng từ khi có dịch bệnh, khách đến mua ít nên cửa hàng phải thực hiện thường xuyên hơn. Nhờ vậy, khách hàng được thấy sản phẩm thực tế mà không cần trực tiếp qua cửa hàng”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ hàng hóa chuyển dịch mạnh từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online…

Nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình này nhanh hơn bao giờ hết./.