Ngành may mặc Nga gặp khó từ năm 2014 khiến nhiều nhãn hiệu thời trang châu Âu phải đóng cửa và nhiều nhà đầu tư đã phải rời thị trường này. Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, trong đó có cả Bangladesh.
Theo RBTH, từ đầu năm 2015, thị trường quần áo và giày dép bán lẻ của Nga giảm 25-35 % sản lượng. Tuy nhiên theo dự đoán, giá trị hàng hóa sẽ tăng nhẹ khoảng 3,5-4 % vào cuối năm và đạt 3,21 tỷ rúp (tương đương 60 triệu USD). Trong quý đầu tiên của năm 2015, sản lượng bán ra giảm 42 % và giảm 19 % về giá trị, trong đó hàng hóa thuộc phân khúc tầm trung sụt giảm nghiêm trọng nhất.
Vietnam là một trong những nước xuất khẩu may mặc lớn nhất sang thị trường Nga. (Ảnh: Reuters) |
Kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế phải rời bỏ thị trường Nga, bao gồm OVS (Ý), New Look (Anh) và River Island (Đức) và trụ sở Esprit của Hồng Kông đặt tại Nga. Các chuyên gia phân tích dự đoán một làn sóng rời thị trường Nga sẽ diễn ra vào tháng 9 và 10 tới.
Chuyển dịch hướng nhập khẩu
Chuyên gia phân tích, ngành may mặc châu Á đang có những phân khúc nhất định. Vị trí của Trung Quốc - điểm đến số một cho hàng dệt may giá rẻ- đã bị lung lay bởi các quốc gia châu Á mới nổi như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ năm 2005 đến 2011, xuất khẩu dệt may đã tăng 32 %, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 15 % và các nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Thái Lan tăng khoảng 7 %.
Olga Strelnikova, trưởng bộ phận dệt may tại SCS Group, cho biết các doanh nghiệp dệt may và sản xuất giày dép dần dần rời khỏi Trung Quốc. Các nước ít ảnh hưởng hơn như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, và Hàn Quốc đã đóng góp đáng kể cho ngành sản xuất hàng may mặc của Nga.
Theo Olga Strelnikova, có hai yếu tố chính khiến nhập khẩu hàng dệt may từ các nước mới nổi này sang Nga có tính cạnh tranh hơn Trung Quốc: giá cả và mức thuế nhập khẩu thấp từ chính phủ Nga.
Anna Lebsak-Kleimans, Giám đốc điều hành Fashion Consulting Group, cho biết tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong năm 2013 và 2014, có thể thấy xu hướng rõ rệt: chiều hướng đi xuống tại Trung Quốc, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ ,và chiều hướng gia tăng ở Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh.
Bangladesh và Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có lượng xuất khẩu dệt may lớn nhất đến Nga. Từ năm 2012 đến năm 2014, nhập khẩu từ Bangladesh và Việt Nam lần lượt là 25,59 % và 16,96%, trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm 4,48%, theo Consulting Group.
Việt Nam đi tiên phong
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), EU sẽ tiếp tục là thị trường chính của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, khi nào Nga giảm bớt gánh nặng thuế lên các sản phẩm dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Nga chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Việt Nam vừa ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Thỏa thuận này có thể sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EAEU.
Theo báo cáo chính thức của chính phủ Nga, FTA giữa Việt Nam và EAEU sẽ thúc đẩy thương mại song phương và tăng cường quan hệ kinh tế giữa các thành viên. FTA này cũng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến các nước thành viên EAEU trong quá trình hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính phủ Nga mong đợi thỏa thuận này có thể trở thành hình mẫu cho sự hội nhập sâu hơn của Nga với các thành viên khác trong khối ASEAN./.