Trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt các FTA mới quan trọng, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam-EU.

Đến nay, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các quốc gia khác đã có hiệu lực, giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn khi nhiều mặt hàng được hưởng thuế quan ưu đãi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN vẫn còn chưa hiểu rõ về bản chất của FTA cũng như những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng dệt may, da giày, thép, nông sản...

dua_hau_xwgq.jpg
Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích thị trường nên là một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản cứ được mùa rớt giá. (Ảnh: Trần Ngọc)

Tại Hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế - Còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do?” tổ chức ngày 28/5, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng vừa bày tỏ vui mừng về ưu đãi thuế quan, thị trường mở rộng, vừa lo ngại sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài và sự hạn chế bảo hộ cho các DN trong nước.

FTA – con dao hai lưỡi

Các đại biểu tại Hội nghị cho rằng, các FTA sắp sửa kết thúc như TPP và FTA với EU đều là các FTA thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng, đồng nghĩa với việc không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế sẽ bị thu hẹp.

Ở trong nước, với không gian hiện tại, chưa tính tới các FTA mới, chính sách hỗ trợ cho các ngành hàng không nhiều, và nếu có cũng chưa thật hiệu quả, các đại biểu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, chế biến và xuất khẩu thủy sản là một ngành đặc thù phải nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến. Ông bày tỏ lo ngại sau khi tham gia các FTA phải thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào và đáp ứng các hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các đối tác.

“Hiện nay, 80% nguyên liệu của ngành là phải nhập khẩu. Do đó, nếu chúng ta đưa ra vấn đề nhập khẩu nhiều là tạo ra nhập siêu thì rất khó cho ngành chế biến thủy sản”, ông Nam nói.

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Việt Nam có chính sách khuyến công, nông, ngư, nhưng chưa có chính sách khuyến khích thị trường. Theo bà Loan, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản cứ được mùa rớt giá, không bán được khiến doanh nghiệp phải phá sản.

“Như vậy trong không gian của các FTA tới, ngành bán lẻ cần được hỗ trợ tương xứng hơn nữa,” bà Loan kiến nghị.

Ông Nguyễn Anh Dương, Chuyên gia của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, các FTA có ảnh hưởng rất lớn tới chiến lược phát triển dài hạn của DN Việt Nam, đặc biệt trong ngành chế biến thực phẩm và điện tử.

Vấn đề đặt ra trong 2 ngành này là tìm kiếm thị trường xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. “Nhưng FTA là cuộc chơi có đi có lại. Ta mong mở thị trường thì họ cũng đến tìm thị trường để mở rộng kinh doanh,” ông Dương nói.

Hơn nữa, tham gia FTA, DN Việt Nam sẽ vướng một số hàng rào kỹ thuật và một số hành lang pháp lý yêu cầu hàng hóa đạt tiêu chuẩn cao hơn để kiểm soát lượng hàng hóa vào thị trường. Bên cạnh đó, hiện nay DN trong nước chưa có nhiều thông tin về các FTA, hầu hết tự mày mò tìm kiếm thông tin qua internet.

DN nội cần tăng sức cạnh tranh

Ông Nguyễn Anh Dương đặt ra vấn đề: Việt Nam mong muốn gì ở các ngành sản xuất trong nước trong vòng 5-10 năm tới. “Chúng ta có kế hoạch gì cho các ngành sản xuất nội địa? hay là kệ, phát triển đến đâu thì đến?” ông Dương nói.

Theo ông, thị trường Việt Nam chưa đủ cả quy mô và nhu cầu để thu hút đầu tư của chính DN, vì thế phát triển nội địa của DN trong nước còn thấp. Các FTA giúp mở cửa, tạo động lực cạnh tranh cho DN và cũng đặt ra thách thức về thị trường, tài chính và nguy cơ đối mặt với các vụ kiện phá giá...

Dẫu vậy, ông Dương nhận định, Việt Nam là nước “máu” nhất trong các cam kết song phương và đa phương. Gia nhập thương mại tự do khiến lao động Việt Nam có thêm việc làm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, thay đổi xu hướng tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Dương, khi không gian chính sách giảm dần, ưu đãi giữa trong nước và nước ngoài sẽ cân bằng, đòi hỏi DN trong nước phải đứng thật vững trên đôi chân của mình khi không còn hỗ trợ từ phía nhà nước.

Bà Nguyễn Nga, Chủ tịch Công ty CP đầu tư phát triển N.N hiện đang tham gia dự án bảo tồn cải tạo cầu Long Biên, cho biết, tham gia FTA cũng như muốn có một cái nhà có nhiều cửa. “Ta chưa nghĩ đến khó khăn khi có nhiều cửa, mà chỉ mới đang muốn xây dựng nhà nhiều cửa. Ta chưa có sự chuẩn bị để các luồng gió đều vào được,” bà Nga ví von.

Bà gợi ý các DN trong nước cần phải liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp và phải chuẩn bị thật kỹ trước khi tham gia vào thị trường mới. Nói về xuất khẩu nông sản, bà Nga cho rằng, gạo Việt Nam bán giá thấp vì dùng phân hóa học, chứ chưa dùng phân vi sinh.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gạo tiêu chuẩn hơn, để tránh các nước cứ phải đấu đá để đo lường nhau, theo bà, DN nội nên sang tìm hiểu thị trường của nước nhập khẩu và kết hợp với các đối tác ở đó để đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng được tiêu chí của nước nhập khẩu.

Ưu tiên ngành mũi nhọn

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chính sách về thuế quan hiện không còn nhiều, nên hiện nay ngành nào muốn kiến nghị giảm thuế e là không còn "dư địa".

“Càng cam kết thì không gian chính sách càng hẹp lại. Ví dụ như cam kết trong TPP thì mua sắm Chính phủ không chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng về cơ bản không gian kỹ thuật khác như biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn.” bà Trang nói.

Theo Giám đốc Trung tâm WTO, gợi ý nên ưu tiên một số ngành hàng tại những thời điểm nhất định để giúp DN trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh và đứng vững trên sân nhà. “Chúng ta không thể phát triển theo kiểu quả mít được (ngành nào cũng là mũi nhọn - PV)” bà Trang nói. Bà cho rằng, hiện tại chính sách của Nhà nước đang hỗ trợ ngược, ưu đãi cho FDI nhiều hơn trong nước.

Bên cạnh đó, còn có thách thức nữa là, hiện nay nền kinh tế của nước ta vẫn còn những hạn chế như năng suất, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh không cao... Do đó, các DN nội đia cần chủ động tìm kiếm thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh để sẵn sàng tham gia hội nhập./.