Trong thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 – 2015, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề thu – chi ngân sách, nâng cao đời sống cho người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng lương thông qua các nguồn: tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nguồn cắt giảm đình hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết; nguồn vượt thu ngân sách, tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng...
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy, nếu không thể tăng lương cho toàn bộ thì nên tăng cho một nhóm cán bộ công nhân viên chức có thu nhập thấp. Đồng thời thực hiện tinh giảm biên chế như đề án tái cơ cấu.
Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) cần giải quyết vấn đề lương hưu cho các đối tượng phục vụ trong chiến tranh đã nghỉ hưu.
Trở lại với câu chuyện lãng phí, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhận xét Quốc hội ít bàn và đánh giá về những gì chúng ta mất đi hàng năm. Có thể tăng trưởng 5,8% và cao hơn nữa nhưng hàng năm luôn có những thất thoát và thiệt hại do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Vì vậy trong báo cáo của Chính phủ cần có thêm đánh giá này.
Ví dụ, tai nạn giao thông mỗi năm mất đi 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Hay mỗi năm có 150.000 người mắc bệnh ung thư, 75.000 người chết. Đó là những thiệt hại rất lớn.
“Phải tính toán những con số này trong bài toán kinh tế” -. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói.
Về thất thoát lãng phí, đại biểu nhận xét có nhiều công trình hiện nay xây ra không sử dụng hoặc không duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn. Nếu xử lý được vấn đề này thì sẽ có nguồn để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tăng lương.
Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tại (GTVT) đã có ý thức về điều chỉnh dự án, công trình tiết kiệm. Chỉ điều chỉnh 1 số công trình mà tiết kiệm 35.000 tỷ trong khi chúng ta cần 40.000 tỷ để giải quyết tiền lương. Như thế có thể điều chỉnh thiết kế công trình để tiết kiệm chi phí.
“Chỉ một mình bộ GTVT đã như thế, còn nhiều ngành khác cùng thực hiện thì nguồn lực thu về sẽ lớn như thế nào?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Như thế, theo đại biểu, chúng ta chỉ nghĩ đến việc tăng thu trong khi việc tiết kiệm lại ít nghĩ đến. Bên cạnh đó, có một vấn đề mà Bộ GTVT làm đã giải quyết được, đó là đấu tranh chống quá tải đường bộ mang lại kết quả.
“Nhưng rõ ràng có những việc mà một mình bộ GTVT không làm được, cần phối hợp với các bộ ngành, Công an, chính quyền địa phương. Làm vậy sẽ giải quyết được phí bảo trì và tiền thu của nhân dân để bảo trì đường bộ”./.