Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2020, tái cơ cấu và phát triển thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần, ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải đường sắt và vận tải đường thủy nội địa.

Dự thảo Kế hoạch hành động tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải khối lượng lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng xác định: Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ và tăng cường năng lực vận tải cho đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng, cơ cấu lại thị phần hợp lý giữa các phương thức.

1382510050_duong%20sat%205.jpg
Năng lực vận tải của ngành đường sắt là rất lớn. (Ảnh: Internet)

Thực tế hiện nay, vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường bộ vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các phương thức vận tải hiện có, khiến áp lực vận tải bằng phương thức này ngày càng gia tăng.

Đặc biệt là từ đầu tháng 4/2014, khi Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ, tình trạng doanh nghiệp vận tải gây khó khăn với chủ hàng, tăng giá cước, tránh né kiểm soát trọng tải... đã ảnh hưởng nhiều đến việc thông thương hàng hóa.

Trong khi đó, theo ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng vụ Vận tải (Bộ GTVT), năng lực vận tải của đường sắt, đường thủy nội địa hiện nay đang trong tình trạng dư thừa, hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, với giá cước luôn rẻ hơn rất nhiều so với vận tải bằng đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến có cự ly dài với khối lượng chuyên chở hàng hóa lớn.

Ông Hùng phân tích, giá cước vận tải hàng hoá bằng đường sắt hiện nay chỉ bằng khoảng 50% so với đường bộ đối với hàng container, bằng 33% so với vận chuyển hàng rời bằng đường bộ; Cước vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa càng thấp hơn khi chỉ bằng 25-40% chi phí vận tải đường bộ.

Giá rẻ nhưng quá chậm và độc quyền

Mặc dù được đánh giá là có giá cước vận chuyển rẻ hơn so với vận tải đường bộ, song đa phần các Tập đoàn, Tổng Công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn đều ngán ngẩm với những hạn chế cố hữu của phương thức vận tải đường sắt cũng như đường thủy, đó chính là vấn đề thời gian, năng lực vận chuyển, tốc độ bốc xếp, trung chuyển hàng hóa quá chậm chạp.

Hơn nữa, những phương thức vận tải này đang vừa thiếu, vừa yếu sự kết nối đồng bộ bởi hạn chế về hạ tầng đã khiến cho chi phí bốc dỡ, bến bãi tăng lên đáng kể, gây nên sự bất tiện cho các chủ hàng. Đó là chưa kể đến nhiều thủ tục nhiêu khê, thái độ làm việc độc quyền, tiêu cực gây phiền toái cho doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mía đường 1 chia sẻ, khi gặp khó khăn trong việc vận tải bằng đường bộ, Tổng công ty đã chủ động làm việc với ngành đường sắt và kí kết hợp đồng vận chuyển 10.000 tấn đường lên Lào Cai để xuất khẩu có thời hạn đến ngày 31/5. “Tuy vậy, sau mấy tuần kí kết, ngành đường sắt vẫn chưa xếp được lịch để chuyển hàng đi”, bà Đức cho biết.

Cùng phê phán thái độ độc quyền của ngành đường sắt, ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc bức xúc cho biết, sản phẩm của công ty chủ yếu vẫn được vận chuyển bằng đường bộ từ 70 - 80%, vận chuyển đường sắt chỉ chiếm hơn 10%.

“Trước đây doanh nghiệp cũng vận chuyển bằng đường sắt, nhưng tổng chi phí cho vận tải cao. Đến nay, dưới áp lực của giá cước đường bộ khi thực hiện siết kiểm tra tải trọng xe, doanh nghiệp muốn quay lại với vận chuyển đường sắt. Tuy nhiên, khi làm việc với đường sắt lại gặp thái độ độc quyền, bao cấp, dù đã làm việc nhiều ngày nhưng ngành đường sắt vẫn không bố trí được tàu vận chuyển”, ông Hùng nói.

Tương tự như các doanh nghiệp vừa nêu trên, đại diện Tổng công ty lương thực miền Bắc - ông Phạm Ngọc Tuyến cũng cho rằng, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn khi vận chuyển gạo từ Hải Phòng lên các tỉnh phía Tây Bắc. Vì không được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển bằng đường sắt nên doanh nghiệp vẫn phải duy trì việc vận chuyển bằng đường bộ.

Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng vận tải hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Hồng Trường cũng chỉ rõ, hạ tầng dịch vụ của vận tải đường sắt và đường thủy hiện rất yếu, hệ thống bốc xếp lạc hậu, bến bãi kho chứa xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa, thái độ độc quyền, tiêu cực trong xếp dỡ hàng hóa đã khiến khách hàng không thể dễ dàng chấp nhận các phương thức vận tải đường sắt cùng như đường thủy nội địa.

Phải kết nối những ý tưởng lớn

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng, công tác siết chặt tải trọng xe đã đạt được kết quả bước đầu, thời gian tiếp theo, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiên định thực hiện công tác này, đảm bảo đưa giá cước vận tải về đúng vị trí theo giá thị trường, hướng nhu cầu vận tải chuyển dần từ đường bộ sang các phương thức vận tải khác.

Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải coi đây là cơ hội để nâng cao năng lực, năng suất lao động, cải cách các thủ tục hành chính, chống tiêu cực nhằm giảm chi phí vận tải, điều tiết được giá cước, thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn cũng cần chủ động tiếp cận với các lĩnh vực vận tải hàng hóa khác ngoài đường bộ, từ đó tìm kiếm chi phí và phương thức vận chuyển hợp lý nhất.

Đại diện Tổng công ty vận tải thủy miền Bắc khẳng định rằng, nếu lượng hàng hóa giảm tải chuyển từ vận tải bộ sang đường thủy nội địa với số lượng lớn và đều, đơn vị có thể rút ra được 50% số phương tiện hiện có mà không phải đầu tư, đồng thời sẵn sàng mở cửa đón các chủ hàng và tiếp tục giảm giá cước.

Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Đường sắt Hà Nội đã kiến nghị, cần tăng cường năng lực vận chuyển cũng như bốc xếp hàng hóa của ngành đường sắt, đặc biệt là trên tuyến phía Tây (đi Lào Cai). Bởi hiện nay, theo ông Trung, tại khu vực ga Lào Cai có ngày ứ đọng tới 400 - 500 toa xe do năng lực bốc dỡ chậm, nhiều toa xe của ngành đường sắt đã phải tận dụng để làm kho chứa hàng gây nên hiện tượng dồn ứ./.