Hơn 1 tháng nay, chị Hà Thị Trình, dân tộc Thái ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La bận bịu bán xoài bằng hình thức livestream.  Chị Trình cho biết, từ khi buôn bán bằng hình thức online, chị và nhiều gia đình trong xã thấy  đỡ vất vả hơn mang bán ngoài chợ, vui nhất là khi có đơn hàng mới hái quả.

Trước đó, gia đình chị Trình đã được các ngành chức năng hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử cũng như cách cập nhật thông tin hàng hóa, giá bán, chất lượng, nguồn gốc nông sản; quy trình đặt hàng, bán hàng, thanh toán chuyển hàng; mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng và biết kinh doanh online thực thụ.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty bưu chính Viettel, Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cho biết, ngay từ đầu tháng 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã có công văn gửi đơn vị đề nghị đồng hành cùng với tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Kèm theo công văn này là danh sách các Hợp tác xã và giới thiệu về sản lượng, tiêu chuẩn nông sản và thông tin để liên lạc. 

“Khi nhận được công văn này, các chi nhánh trực thuộc Viettel ở tỉnh đã tiếp cận với các doanh nghiệp và đi khảo sát các vùng trồng và cùng với Sở Công Thương tổ chức các lớp đào tạo tập huấn để bà con nông dân tự đăng các sản phẩm của mình lên sàn để bán. Đồng thời, hướng dẫn bà con không chỉ bán trên sàn thương mại điện tử mà còn bán trên tất cả nền tảng, mạng xã hội khác”, ông Kiên nói.

Các tuyến xe khách đi - đến các tỉnh tạm dừng hoạt động, không chỉ người nông dân lựa chọn kênh bán hàng điện tử để tiêu thụ hoa quả, các Hợp tác xã ở Sơn La còn đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ quả mận, xoài, nhãn, trong đó, tập trung cho bảo quản và sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp tại Lạng Sơn để xuất khẩu sang các siêu thị tại Trung Quốc, đồng thời, đưa hàng vào các siêu thị trong nước.

“Chúng tôi cũng đã định tình hình dịch bệnh sẽ chưa thể dừng lại, vì thế đã họp bàn nhau bây giờ chỉ còn cách nâng cao giá trị sản phẩm và mẫu mã sản phẩm lên. Nếu đảm bảo được sản phẩm hoa quả loại 1 giá cả kể cả bây giờ vẫn được giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần sản phẩm thường”, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho hay.

Chia sẻ về công tác xúc tiến thương mại trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh, thành phố, ông Vũ Bá Phú, Cục Trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, bắt đầu vào chính vụ thu hoạch hoa quả, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Cục để hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm mận hậu và xoài lên sàn thương mại điện tử Shopee bắt đầu từ ngày 28/5. Điều này thể hiện sự chủ động của tỉnh trong việc kết nối, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nhiều nông sản của tỉnh như: xoài, nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, các nước thuộc Liên minh Châu Âu ( EU).

“Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm nông sản cuả Sơn La vẫn được giá và việc giải cứu là chúng ta không để có trong nền kinh tế thị trường”, ông Phú khẳng định.

- 6 tháng đầu năm tỉnh Sơn La đã tiêu thụ, xuất khẩu được gần 200.000 tấn mận, xoài, nhãn.

- Giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 61,9 triệu USD, chiếm gần 90% tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của toàn tỉnh.

- Thành công bước 1 là tiền đề quan trọng để tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gần 100.000 tấn nhãn trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.

Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường, phát triển thương mại điện tử. Mặc dù giá thành mận, xoài giảm hơn so với năm trước từ 5.000- 8.000đ/kg, nhưng đã xây dựng được nhiều sản phẩm chất lượng cao như: mận Rubi, nhãn Sơn La, đảm bảo đạt được mục tiêu: được mùa và trên giá thành sản xuất cho người dân để tiếp tục vụ sản xuất năm 2022 . Đặc biệt, đảm bảo vùng trồng an toàn, không bị tác động bởi dịch Covid-19.

Đa dạng hóa hình thức bán hàng bằng nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản và gia tăng doanh thu, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh như hiện nay, những sản phẩm nông sản của Sơn La có mặt tại thị trường các nước khó tính và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã cho thấy, nhận thức và tư duy của người nông dân Sơn La có nhiều thay đổi. Thông qua đây đã tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn quốc, giảm bớt các khâu phân phối trung gian. Sự thay đổi này có được phần lớn nhờ những chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy Sơn La và sự sát sao của cấp ủy các cấp cùng vai trò của các ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể./.