Ngân hàng HSBC vừa công bố nghiên cứu về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam. Trong đó, HSBC đánh giá hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu nội địa yếu kém. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 5 quay trở lại ngưỡng giảm sút do hoạt động uể oải trong nước trì kéo.Những số liệu về bán lẻ, lạm phát và thương mại cũng đang đồng hành quá trình đi xuống. Điều này cho thấy trong khi tăng trưởng vẫn còn dao động ở mức 5%, quá trình phục hồi lại chưa chắc chắn và có nhiều khả năng sẽ còn chậm hơn so với dự kiến.

chisogdp.jpg

Vì thế, HSBC hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 từ 5,5% xuống còn 5,1% do giá cả hàng hóa toàn cầu thấp - vốn là tác nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng, và tăng trưởng tín dụng chậm chạp.

Cần giám sát chặt AMC

Báo cáo của HSBC nhấn mạnh rằng, “đa phần tình trạng bất ổn kinh tế gần đây của Việt Nam bắt nguồn từ quá trình tự do tín dụng của khu vực nhà nước trong thập kỷ trước và lĩnh vực tài chính non trẻ bị gánh nặng nợ xấu dồn ép. Chính vì vậy, tháng trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt dự án thành lập Công ty Quản lý Tài sản AMC để mua lại các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng của Chính phủ để cải thiện hiệu quả của hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết 254, một nỗ lực để tái cơ cấu ngành ngân hàng. Chính phủ hy vọng Công ty Quản lý Tài sản sẽ giúp giải quyết một nửa số nợ xấu (NPL) trong toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng. Thành công này sẽ giúp khôi phục những nguy cơ tại Việt Nam và làm phấn chấn hoạt động kinh doanh. Một mặt nguồn vốn của Công ty Quản lý Tài sản còn rất hạn chế làm tăng nghi ngại về tính hiệu quả của công ty, mặt khác quá trình hoạt động đòi hỏi phải có giám sát chặt chẽ.

Những yếu kém trong ngắn hạn vẫn tồn tại

Những chỉ số kinh tế của tháng 5 cho thấy, trong khi thương mại, bán lẻ, chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC và chỉ số lạm phát đều hướng đến một nền kinh tế với tăng trưởng chỉ khoảng 5% (so với mức trung bình của những năm trước là 7%) thì dòng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lại cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh và vẫn còn thu hút những dòng vốn lành mạnh.

Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn đăng ký FDI đã đạt con số 5,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất, cung cấp nhiều nguồn lao động và đầu tư trong thời điểm tình hình tài chính - tiền tệ đầy khó khăn và nhu cầu nội địa yếu kém.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất quay trở lại ngưỡng giảm sút dưới 50 điểm do nhu cầu yếu kém trong nước ảnh hưởng, chứng tỏ triển vọng tăng trưởng rất khó khăn trong những tháng sắp tới.

Còn xuất khẩu từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng nhẹ đạt mức tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn duy trì ở mức hai con số nhưng những chuyến hàng của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hoá toàn cầu yếu, xuất khẩu gạo, cà phê, than, cao su, dầu thô đều báo cáo giảm. Trong khi đó, mặt hàng sản xuất lại có sự phục hồi nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu tăng mạnh hơn và hoạt động đầu tư mới ở lĩnh vực dệt may, giày dép và điện tử. Trong khi tình hình nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn tốt thì nhập khẩu hàng hoá thành phẩm tiếp tục giảm phản ảnh tiêu dùng kém…

Chính phủ đang rất nghiêm túc với quá trình cải tổ

Việc phê chuẩn thành lập Công ty Quản lý Tài sản (AMC) vào ngày 22/5/2013 rất quan trọng đối với Việt Nam nếu muốn phát triển với những nỗ lực cải tổ ngành ngân hàng. Trong khi nguồn vốn giới hạn của Công ty Quản lý Tài sản đang gây ra nhiều mối lo ngại về tính hiệu quả của công ty này thì việc thành lập công ty lại là một tín hiệu quan trọng cho thị trường về việc Chính phủ đang rất nghiêm túc với quá trình cải tổ.

Thực tiễn cho thấy, các điều kiện kinh tế tổng hợp của Việt Nam vẫn còn yếu nhưng dường như vẫn có tiến triển. Nhưng HSBC không kỳ vọng nền kinh tế quay lại mức tăng trưởng trước đây nếu những thách thức cơ bản đối với nền kinh tế không được giải quyết. Những cải cách cơ bản sớm nhất nên diễn ra trong nửa cuối năm 2013./.