Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong đó hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của năm 2016 từ 6,7% xuống còn 6,3% và năm 2017 từ 6,8% xuống 6,6% vì hai lý do chính: 1) Mức tăng trưởng quý I.2016 đạt 5,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều kỳ vọng trước đây của HSBC, và 2) Các biện pháp thắt chặt hành chính vừa được đề xuất sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.

Sản lượng các ngành chính suy giảm

Giải thích về dự báo này, HSBC cho biết: Với tăng trưởng năm 2015 cán mốc 6,6% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực trong năm vừa qua. HSBC hy vọng mức tăng trưởng nổi bật này sẽ được duy trì trong tương lai gần, nhưng những số liệu thu thập được gần đây đã buộc HSBC phải thận trọng hơn với các dự báo.

gdp_vn_ybox.jpg
HSBC dự báo GDP Việt Nam 2016 tăng 6,3% (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, hoạt động của các nhóm ngành chính sụt giảm do tác động của El Nino khiến tăng trưởng trong quý I/2016 giảm xuống mức 5,6% so với cùng kỳ năm trước, yếu hơn mức dự đoán của HSBC và các chuyên gia kinh tế khác. Nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm này là do sản lượng các ngành chính suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây, và phản ánh tác động của El Nino liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gần 42.000 ha mùa vụ bị hư hại do tình trạng hạn hán nặng nề ở miền Trung và Tây Nguyên. Tình trạng thiếu nước và nước nhiễm mặn kéo dài đã ảnh hưởng đến khoảng 34.000 ha mùa vụ ở Đồng bằng Mê Kông tại miền Nam – vựa lúa lớn nhất cả nước.

Tình trạng thời tiết khắc nghiệt dẫn đến thất thoát gần 700.000 tấn lúa trong quý I/2016, tương ứng mức suy giảm 6,2% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia của HSBC còn lưu ý, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của HSBC, nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp vào GDP của Việt Nam cao nhất (13%) so với các nước khác trong khối ASEAN. Quan trọng hơn, với gần một nửa nguồn lao động của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp suy giảm đã gây tác động đến ngành sản xuất và dịch vụ do thu nhập lẫn chi tiêu từ hoạt động trồng trọt đều giảm.

Bảng kê chi tiết về mặt chi tiêu của GDP trong quý I/2016 cho thấy tiêu thụ cuối cùng đang trượt mạnh từ mức 9,1% trong quý IV/2015 xuống mức 6,9% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước. Con số này phần nào phản ánh doanh thu bán xe nhập khẩu đạt mức ổn định sau khi quy định về việc tăng thuế tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực đầu năm nay. Nhưng cũng không nên bỏ qua việc thu nhập từ hoạt động nông nghiệp suy giảm. Trong khi đó, tăng trưởng đầu tư trong quý IV/2015 cũng giảm nhẹ từ 9,1% trong quý IV/2015 xuống 8,3% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước. Cuối cùng, đóng góp từ nhập khẩu ròng vẫn duy trì ở mức âm, -1,5 điểm phần trăm.

Nhiều nguy cơ…

Tăng trưởng GDP trong quý I/2016 yếu hơn mức dự báo đã tự động tạo một nền

tảng thấp hơn cho tăng trưởng cả năm. Do đó, HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ mức 6,7% xuống còn 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng có phần dè dặt của HSBC cũng phản ánh nhiều nguy cơ rằng những yếu tố kiềm hãm tăng trưởng trong quý vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa.

Cùng với nông nghiệp, đóng góp của xây dựng, bất động sản và dịch vụ tài chính vào tăng trưởng cũng suy giảm đáng kể. Điều này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn: ví dụ, hoạt động xây dựng đi xuống phần nào phản ánh xu hướng suy giảm trong đầu tư công, cho thấy những hạn chế trong ngân sách của Chính phủ.

Tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính cũng không có dấu hiệu cải thiện đáng kể: trong tháng 2/2016, NHNN ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36, đặt thêm nhiều điều luật mới nhằm củng cố quá trình quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay. Những đề xuất sửa đổi bao gồm giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống 40%. NHNN cũng sẽ nâng hệ số rủi ro tín dụng của các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán từ 150% lên 250%.

HSBC cho rằng, các biện pháp thắt chặt hành chính sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức và dẫn đến hiện tượng đầu tư dè dặt như năm 2015. Do đó chúng tôi đã hạ dự báo nhu cầu nội địa trong thời gian tới và giảm mức dự báo tăng trưởng GDP từ 6,8% trước đây xuống còn 6,6% so với cùng kỳ năm trước./.