Treo tổ ong Dú trong vườn chôm chôm vắt ra thứ mật đắt tiền

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển nghề nuôi ong Dú cho nguồn thu nhập khá ổn định. Gia đình anh Trần Văn Thức (Thôn 3, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên) là một trong những nông hộ đã thành công với nghề nuôi ong này.

Bốn năm trở lại đây, gia đình anh Thức được biết đến là một trong những địa chỉ tin cậy chuyên bán mật ong Dú nguyên chất với chất lượng mật thơm ngon. Gắn bó với nghề nuôi ong Dú 15 năm nay, nhưng anh Thức chỉ mới phát triển nuôi ong theo hướng kinh doanh 4 năm qua vì nhận thấy thị trường tiêu thụ mật ong rất tiềm năng.

ong_du_dwpo.jpg
Người nuôi kiểm tra một tổ ong Dú. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Nhiều người có nhu cầu tìm mua mật ong có chất lượng tốt để sử dụng cho việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Thức đã quyết định nuôi ong Dú trong vườn chôm chôm để lấy mật.

Đặc tính của loài ong Dú là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất. Việc nuôi ong Dú trong vườn chôm chôm cũng đảm bảo cung cấp cho đàn ong có nguồn hoa để lấy mật và cũng vì vậy mà chôm chôm trong vườn của gia đình anh khi thu hoạch luôn đảm bảo sạch và an toàn cho người sử dụng vì không phun xịt bất cứ loại thuốc gì.

Ong Dú (tên tiếng Anh là Stingless bee), còn gọi là ong Rú, ong Lỗ và một số tên gọi khác theo địa phương là ong lấy mật. Đây là loại ong hiếm có trong tự nhiên và rất khó nuôi. So với các loại ong mật khác như ong Ruồi, ong Khoái…, ong Dú có kích cỡ nhỏ hơn. Ong Dú có tính hiền, ít chích đốt và không gây nguy hiểm cho người.

Hiện nay, anh Thức có 130 tổ ong Dú; trong đó, có 70 tổ ong đã cho thu hoạch. Mỗi năm, anh thu được hơn 60 lít mật ong với giá bán 700 ngàn đồng/ lít.

Anh Thức cho biết: “Một tổ ong sau khi được tách và nhân đàn mới thì hai năm sau sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Mỗi năm thu mật một lần vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm”.

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho hay: “Toàn huyện Cát Tiên hiện có trên 10 hộ nuôi ong Dú để lấy mật. Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi ong có thị trường tiêu thụ ổn định, với phương châm đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, Phòng đang tiến hành hướng dẫn các hộ thành lập Câu lạc bộ nuôi ong Dú...".

Theo ông Trừng, việc ra đời câu lạc bộ nuôi ong Dú làm cơ sở để các hộ tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Tạo ra sản phẩm mật ong Dú có xuất xứ từ Cát Tiên là một trong những hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa của huyện theo chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) dựa trên lợi thế của địa phương.

Nuôi ong vò vẽ hung dữ trong vườn, kiếm đôi trăm triệu/năm

Anh Nguyễn Văn Thành ở xóm 2 Nghĩa Thuận, Thái Hoà (tỉnh Nghệ An) được mệnh danh là "ông trùm" ong vò vẽ. Từ tháng 5/2019 cho đến nay, anh Thành đã sống chung với hơn 100 tổ ong vò vẽ trong vườn nhà mình. 

Khu vườn nuôi loài "tử thần" của "ông trùm" xứ Nghệ này rộng chừng 3.000m2 có giàn treo ngay ngắn, thẳng những tổ ong vò vẽ lớn nhỏ rất đẹp mắt.

Anh Nguyễn Văn Thành bên tổ ong vò vẽ khổng lồ. (Ảnh: Dân Việt)

Gọi là loài ong "tử thần" là bởi nếu chỉ treo tổ im lìm tại chỗ và không động chạm tới thì không sao nhưng chỉ cần một chút động tĩnh, lũ ong sẽ ào ra lao đến tấn công, thậm chí loài ong "tử thần" này có thể cắn chết cả một con trâu mộng. 

Ong vò vẽ là loài ong nguy hiểm bậc nhất ở rừng, nếu bắt không cẩn thận thì nó có thể đốt chết người như chơi. 

Mỗi tổ ong vò vẽ có đến hàng nghìn con. (Ảnh: Dân Việt)

Điều đáng nói, không phải những đàn ong tự tìm đến vườn nhà anh Thành làm tổ mà anh đã đích thân lên rừng bắt về. Hễ gặp tổ ong vò vẽ ở đâu hay nghe thông tin là anh tìm đến bắt.

Những tổ ong khi anh Thành bắt về chỉ to hơn nắm tay, nhưng sau ba tháng chăm sóc đã lớn hơn rất nhiều, đến kỳ thu hoạch có những tổ nặng tới 10kg.

Ngoài thức ăn tự nhiên, người nuôi còn mua thêm cá biển, thịt lợn về treo ở các gốc cây bổ sung thêm cho ong để mang lại lợi nhuận cao hơn. (Ảnh: Dân Việt)

Không tốn quá nhiều công chăm sóc mà đàn ong của gia đình anh Thành vẫn cho nhộng để bán quanh năm. Lũ ong sẽ biết tự đi tìm kiếm thức ăn rồi trở về tổ. Khi một tổ xây được 3 tầng, anh liền cắt đi, chỉ để lại một tầng cho chúng khỏi bỏ đi. Sau đó, bầy ong sẽ lại tiếp tục đẻ trứng, xây tổ suốt bốn mùa./.