TP HCM có gần 800 dự án đầu tư Nhật Bản với tổng số vốn trên 2,72 tỷ USD, xếp thứ 6 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố này.

Dự kiến thời gian tới, số doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại thành phố sẽ tăng lên và vấn đề đặt ra đối với chính quyền và các ngành của đô thị này là tăng cường đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản.

tp_hcm_wgie.jpg

TP.HCM: Điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư Nhật Bản

Sau hơn 16 năm đầu tư ở TPHCM, làm ăn ngày càng có hiệu quả, Công ty TNHH Toyota TSUSHO Việt Nam đang tiếp tục mở rộng đầu tư để đáp ứng nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô tại Việt Nam.

Ông Hiroyuki SHIO, Phó Tổng giám đốc đại diện chi nhánh Công ty TNHH Toyota TSUSHO Việt Nam tại TP HCM cho biết: “Chúng tôi đầu tư ở TPHCM được các ngành chức năng của thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và về thủ tục hành chính. Thành phố cũng thường xuyên có những đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”.

Theo Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TPHCM (JETRO), các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất tại thành phố này là: bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và khoa học công nghệ... Hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại đây. Chính quyền và các ngành chức năng của Thành phố luôn chủ động lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Theo khảo sát mới nhất của JETRO, có hơn 50% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam không sợ gặp rủi ro. Mới đây, Liên đoàn kinh tế KEIDANREN của Nhật đã tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua chuyến đi, rất nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ lên kế hoạch đầu tư vào thành phố vì qua phân tích, đánh giá, họ cảm thấy an tâm, tin tưởng về môi trường đầu tư tại đây.

Ông MuKuTa, Giám đốc điều hành cấp cao KEIDANREN nói: “Sắp tới, khi TPP được ký kết và EAC hình thành, Việt Nam, cũng như TPHCM, càng quan trọng với tư cách là cứ điểm quan trọng trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi dẫn đoàn  đi tìm hiểu và doanh nghiệp có hướng đầu tư. Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, xây dựng giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao…”

Để tăng cường thu hút đầu tư vốn FDI, thời gian qua, TPHCM đã tăng cường cải cách thủ tục hành hành chính. Hiện nay, thời gian làm thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp chỉ còn 3 ngày, cấp phép đầu tư chỉ còn 15 ngày. Ngành thuế Thành phố cam kết sẽ rút ngắn thời gian kê khai thuế xuống còn 171 giờ vào cuối năm nay, thay vì hơn 200 giờ như trước đây. Lãnh đạo thành phố thường xuyên chủ động tổ chức gặp gỡ  và đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn. Đó  là, một số lĩnh vực  pháp lý  của Việt Nam chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết: “Thời gian tới, để minh bạch và cải cách thủ tục đầu tư, những đột phá của Luật Đầu tư, chúng tôi công khai thủ tục hành chính trên trang web, tăng cường tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư tăng cường các biện pháp công nghệ thông tin, tăng cường cấp phép cho các nhà đầu qua mạng...”.

Để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, Thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như kiến nghị giải quyết một số vấn đề về pháp lý mà doanh nghiệp còn băn khoăn. Bởi lẽ, các nhà đầu tư Nhật Bản xem Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN và Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đầu tư quan trọng, nhiều  tiềm năng./.