Đến nay đã tròn 4 năm kể từ khi mô hình Hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp ra đời. Một mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của những nông dân xứ cù lao An Hòa, huyện Châu Thành và được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan hỗ trợ thúc đẩy.

Hiện, tại Đồng Tháp đã có tất cả 94 hội quán được thành lập, với hơn 5.100 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, hợp tác để phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện tự quản cộng đồng. Đến nay, nhiều giá trị mới đã sinh ra từ mô hình hội quán, mà nếu với từng hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì không làm được.

Đến thăm nhà các nông dân trồng xoài là thành viên của Tâm Quê hội quán ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh trong những ngày này, nhiều người sẽ cảm thấy lạ vì nhà nào cũng mua trữ nhiều tỏi, ớt và gừng. Đây là những gia vị nấu ăn rất quen thuộc. Tuy nhiên, các thành viên Tâm Quê hội quán mua nhiều các gia vị này không phải là để chuẩn bị cho một bữa tiệc nào đó, mà tỏi, ớt và gừng là những nguyên liệu chính dùng để chế tạo ra một loại chế phẩm sinh học, một sản phẩm mới của tập thể Tâm Quê hội quán giúp phòng ngừa sâu hại trong canh tác xoài, thay thế cho các loại thuốc hóa học kém an toàn.

vov_hq3_RAZE.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hội quán tại xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán cho biết, ý tưởng này xuất phát từ một thành viên của hội quán, nhưng để trở thành sản phẩm thực tế thì cần có vai trò của cả tập thể. “Chế phẩm sinh học làm rất là cực, một mình mình làm không được nhưng nhờ các thành viên của hội quán tập trung lại mới làm được sản phẩm như ngày hôm nay”, ông Những cho biết.

Tương tự như vậy, mới đây, các thành viên của Hội quán Cùng làm du lịch ở làng hoa Sa Đéc đã đưa vào sử dụng chiếc thuyền du lịch, chở khách trải nghiệm cảm giác sông nước khi đến với làng hoa, cũng như kết nối với các điểm du lịch khác ở Đồng Tháp bằng phương tiện thủy.

Thuyền do tập thể các chủ điểm du lịch cùng hùn vốn trang bị và thuê mướn nhân viên vận hành. Khách của điểm du lịch nào có nhu cầu đi thuyền thì chủ điểm đó sẽ đăng ký sử dụng, rồi trích lại phần trăm trên giá vé để làm chi phí hoạt động và khấu hao của thuyền.  

Ông Trần Văn Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Cùng làm du lịch cho biết, Hội quán mong muốn sản phẩm này giúp du khách đi lại nhanh hơn, bài bản và an toàn. Trong quá trình đưa thuyền vào phục vụ có sự góp sức của rất nhiều các anh em thành viên với nhiều ý tưởng sáng tạo, nếu một mình làm sẽ rất khó thành công.

Đây chỉ là hai câu chuyện tiêu biểu cho giá trị nội sinh của mô hình Hội quán nông dân ở Đồng Tháp. Có thể kể thêm về hội quán của các nhà vườn trồng quýt huyện Lai Vung, cam kết với nhau trồng quýt sạch và tự tìm đầu ra. Hay hội quán nông dân ở huyện Thanh Bình cùng nhau bàn bạc rồi đề nghị với chính quyền quy hoạch chuyển đổi 150 ha đất từ ruộng lên vườn.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, từ những bước đi chập chững đầu tiên, đến nay các Hội quán nông dân của tỉnh đã thể hiện ngày càng rõ vai trò trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Chúng ta không thể nào nói trồng cây gì, nuôi cây gì để mình giàu được, cần phải thông qua thực tế của người dân. Thông qua hội quán tỉnh Đồng Tháp, nguồn nhân lực không chỉ gói gọn trong bộ máy nhà nước, nguồn nhân lực luôn có trong xã hội, nguồn nhân lực chính là người nông dân”, ông Hoan chỉ rõ.

Hiện nay, ở những nơi có hội quán, hệ thống chính trị cấp cơ sở cũng có sự thay đổi. Mối quan hệ giữa công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể với vai trò tự chủ của người dân đã được làm mới, thân thiện và tích cực hơn. 

“Hội quán là không gian cực kỳ thoải mái. Bà con nông dân nhẹ nhàng ngồi trao đổi, tương tác với cấp ủy, chính quyền. Cái từ “tương tác” hay hơn từ “truyền đạt”, thời xưa tới giờ gọi là truyền đạt khi 1 anh Bí thư, 1 anh Chủ tịch đứng truyền đạt cho người dân, còn bây giờ là các cấp lãnh đạo sẵn sàng tương tác với người dân”, ông Hoan cho biết thêm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Minh Tâm hội quán, ở xã Mỹ Xương, TP. Cao Lãnh.

Cứ mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng, các thành viên trong Hội quán cùng ngồi lại để bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn. Nhóm người trồng xoài chủ yếu bàn chuyện trái xoài như cách bao trái xoài, ghi chép theo quy trình Vietgap rồi cùng liên kết lại để bán xoài cho các doanh nghiệp. Tương tự, nhóm người trồng cam thì bàn chuyện trồng cam sao cho da trái đẹp, an toàn cho người dùng... Với cách làm này mà những ý tưởng và sáng kiến hay đã được nhân rộng, các loại hình Hội quán khác lần lượt ra đời.

Cuối tháng 5 vừa qua, Hội quán Tân Thạnh Phát - hội quán nông dân mới nhất ở Đồng Tháp vừa ra mắt, nâng tổng số hội quán nông dân của tỉnh lên con số 94 với hơn 5.000 thành viên tham gia. Đến nay, cũng đã có gần 20 HTX nông nghiệp được thành lập trên nền tảng hợp tác vững chắc của Hội quán. Từ đó giúp củng cố thêm niềm tin, giúp người nông dân cùng ngồi lại với nhau trao đổi, những giá trị mới sẽ nảy sinh giúp bà con làm tốt hơn vai trò là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung./.