Coi trọng thị trường nội địa, hơn 5 năm qua, vùng ĐBSCL và cả nước, trong đó có sự góp sức tích cực của nhiều doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Mới đây, Quyết định 634 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt càng tạo ra bước ngoặt cho chương trình hành động của các địa phương trong thúc đẩy cuộc vận động lớn của cả nước.

danvoiv_xdiz.jpg

Người dân nông thôn với một phiên chợ Hàng Việt

Thông qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay, người tiêu dùng đã có cách nhìn nhận tích cực, có niềm tin vào chất lượng của hàng Việt. Điều dễ nhận thấy nhất là trong các phiên chợ hàng Việt, hội chợ hàng Việt chất lượng cao… người dân đã đến tham quan và mua sắm nhiều hơn.

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Đồng Tháp mới đây, người dân có dịp mua những sản phẩm từ những thương hiệu uy tín; đồng thời trải nghiệm thêm các sản phẩm mới chất lượng. Chị Trần Thị Bé, một người dân đi mua sắm hàng Việt phấn khởi: “Hàng hóa bầy giờ chất lượng và mẫu mã phong phú, rất phù hợp với mình”.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về sự khởi sắc của hàng Việt, ngay từ đầu năm tới, ngành bán lẻ trong nước sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Thách thức lớn nhất khi Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài và khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực.

Theo ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, đây là những mối quan tâm rất lớn cho cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối trong nước trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại. Bởi hiện nay, ở thành thị hay ở khu vực nông thôn, hàng Việt cũng đang có sự cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm hàng ngoại. Ông nói: “Khi nguồn lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa đủ mạnh, chưa đầu tư mạnh vào khu vực nông thôn, rất khó tổ chức chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với nhà phân phối. Riêng tỉnh chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho các HTX và các doanh nghiệp. qua đó, mới có thương hiệu mạnh và liên kết giữa sản xuất tiêu thụ bền vững”.

Hàng Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng.

Tại hội thảo “Giải pháp thực hiện quyết định 634 của Chính phủ, đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, bên cạnh sự nỗ lực, sự lo lắng cũng bộc lộ khá rõ trên nét mặt của các doanh nghiệp hàng Việt. Bởi các doanh nghiệp đang lo lắng về tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ giết chết hàng Việt và gây nên hậu quả lớn với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm bày bán tràn lan trên vỉa hè có giá rẻ, không rõ nguồn gốc nhưng người dân vô tư mua mà không thấy cơ quan nào đến kiểm tra.

Ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi nhận xét, những mặt hàng trôi nổi, giả mạo đã gây ra tác hại rất lớn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển giống nòi của người Việt. Những nhà sản xuất chân chính không cạnh tranh được vì đây là sự cạnh tranh không bình đẳng khi họ trốn thuế, làm giả. Vì vậy để đảm bảo cho hàng của các thương hiệu trong nước, thương hiệu hàng Việt chất lượng bán được, vai trò của quản lý thị trường phải nghiêm và thường xuyên liên tục. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích ví von câu chuyện cấp bách về việc hình thành khu vực kinh tế chung ASEAN không có sự đột biến. Tuy nhiên, do có sự “đủng đỉnh”, “chưa vội” mà từ một việc đã biết trước chuyển sang là “cấp bách” khi thời điểm bước sang 2015 cũng đã cận kề. Trong thời gian trước, chúng ta có rất nhiều thời gian để thảo luận, hội thảo… nhưng hành động trực tiếp cho sự đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng pháp lý, năng lực cạnh tranh cũng như kiến tạo môi trường cạnh tranh công bằng đã làm không đồng bộ và kiên trì. Từ đó, đặt ra một thực tế là có 70% doanh nghiệp khi được hỏi cho biết là chưa chuẩn bị gì cho việc hình thành khu vực kinh tế chung ASEAN. Đây là điều thật sự đáng lo.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm: “Bối cảnh hiện nay là sức mua giảm sâu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh lại hội nhập rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, quyết định 634 sẽ có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy các địa phương tập trung hơn cho những hoạt động cấp bách. Từ đó, chúng tôi có điều kiện hơn để đi sâu vào những hoạt động có hiệu quả thật sự cho sức cạnh tranh của hàng Việt”.

Trong thách thức cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có sự năng động, chuyển mình, đổi mới. Từ đó, mới có chỗ đứng nhất định ngay trên “sân nhà”. Đặc biệt, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trong 5 năm qua thu được những hiệu quả nhất định cũng chính là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ hàng hóa của mình./.