Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc hưởng ứng và triển khai hiệu quả cuộc vận động.
Trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng mang biển hiệu “Made in Việt Nam”, lượng khách đến mua cũng ngày càng đông hơn.
Chị Hoàng Thị Hoa, ở Mỹ Đình cho biết: Hiện nay, hàng hóa trong nước rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có nhiều cải tiến và đặc biệt, giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp nhân dân. Do vậy, từ lâu gia đình chị đã lựa chọn sử dụng nhiều sản phẩm trong nước sản xuất: “Gia đình tôi rất tin tưởng hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Nhà tôi hay sử dụng hàng thực phẩm của Vitsan, đôi đũa vàng… Tôi thấy sản phẩm ngày càng phong phú và đạt chất lượng. Các hàng may mặc tôi thấy giá cả rất hợp lý với nhiều tầng lớp người dân”.
Theo thống kê, tỷ lệ người tiêu dùng ở thành phố Hà Nội tin dùng hàng Việt Nam ngày càng tăng. Điều này cho thấy hàng Việt Nam luôn có thế mạnh tại thị trường trong nước. Nếu như năm 2011, chỉ có 28% người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước, đến năm 2013 có đến 47% người tiêu dùng cho biết sẵn sàng lựa chọn hàng Việt Nam.
Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Saigon Co.op Mart, Vinatex Mart… hàng Việt Nam chiếm 90% thậm chí 100%. Còn tại các hệ thống bán hàng bình ổn giá, có đến 90% là hàng sản xuất trong nước. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng: để đạt được kết quả đáng ghi nhận, thành phố Hà Nội đã có những giải pháp khá tốt.
“Hà Nội có những giải pháp rất phong phú và đa dạng, huy động hết các lực lượng tổ chức các chương trình hàng Việt được người tiêu dùng ưu thích hàng năm, đã tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, Hà Nội làm khá tốt các công việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để hạn chế đến mức thấp nhất về hàng giả, hàng lậu… làm cho thị trường lành mạnh lên”, ông Trình nói.
Để cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục lan tỏa, sâu rộng hơn nữa tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ve đô, Sở Công thương Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh việc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa bằng việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt.
Hoạt động này sẽ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm, phát triển kênh phân phối hàng hóa tại địa phương. Đồng thời, Sở Công Thương có kế hoạch xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng thương mại tại đây để việc đưa hàng Việt ngày càng nhiều và thuận tiện hơn, phục vụ nhu cầu của người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Những địa điểm mà phát triển hạ tầng thương mại trong quy hoạch bán buôn bán lẻ của thành phố trong những năm tới sẽ chủ yếu tập trung vào các huyện ngoại thành. Chúng tôi cùng với các sở ban ngành của thành phố tích cực xây dựng những cơ chế chính sách để hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại các trung tâm siêu thị và cải tạo lại các chợ truyền thống và xây dựng mới ở các vùng sâu vùng xa”.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ duy trì những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất và quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Còn các doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng cách đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân./.